Theo Sở Y tế, tháng 7/2019, thành phố chỉ có 17 bệnh viện tham gia điều trị đột quỵ ở nhiều mức độ khác nhau. Đến nay tăng thêm 9 bệnh viện, lên 26 bệnh viện đủ năng lực điều trị đột quỵ. Trong đó 15 bệnh viện thực hiện được cả bốn kỹ thuật là điều trị nội khoa tích cực, thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch máu não và phẫu thuật não.
6 bệnh viện tham gia chương trình đánh giá chất lượng điều trị đột quỵ theo tiêu chuẩn quốc tế (RES.Q) và được Hội đột quỵ quốc tế (WSO) công nhận. Các bệnh viện này gồm Nhân dân 115, Quân y 175, Thống Nhất, Đại học Y dược TP HCM, Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện quận Thủ Đức.
Các bệnh viện còn lại có Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định, Trưng Vương, An Bình, Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Đa khoa Sài Gòn, Nguyễn Trãi, Xuyên Á, Gia An 115, Hoàn Mỹ Sài Gòn, Quốc tế City, Ngoại Thần kinh quốc tế, Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park, Đa khoa Triều An, Tim Tâm Đức, Bệnh viện quận 1, quận 2, Tân Phú, Tân Bình và Đa khoa khu vực Hóc Môn.
Bên cạnh đó, mạng lưới 34 trạm cấp cứu vệ tinh thuộc Trung tâm Cấp cứu 115, bao phủ 24 quận, huyện luôn sẵn sàng ứng cứu và vận chuyển người bị đột quỵ đến các bệnh viện phù hợp.
Đại diện Sở Y tế nhấn mạnh, tăng số lượng bệnh viện điều trị đột quỵ cùng số trạm cấp cứu vệ tinh giúp tăng cơ hội cứu sống người bệnh trong khoảng "cửa sổ thời gian vàng".
Ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế trong Hội nghị nâng cao chất lượng cấp cứu ngoại viện trong điều trị đột quỵ não cấp, hồi cuối tháng 10, cho biết Trung tâm cấp cứu 115 sẽ phối hợp cùng Hội Đột quỵ TP HCM thành lập mạng lưới cấp cứu đột quỵ ngoại viện chuyên biệt. Nhân viên cấp cứu ngoại viện được đào tạo chuyên sâu kỹ năng, chuyên môn nhận biết, xử trí đột quỵ. Ngoài ra, Sở đang hợp tác với Bệnh viện Quân y 175 sớm triển khai dịch vụ vận chuyển bệnh nhân đột quỵ bằng trực thăng.
Thư Anh