Bác sĩ Nguyễn Hữu Hậu, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng, Bệnh viện Gia An 115, ngày 19/3 cho biết bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng yếu nửa người bên trái, liệt mặt bên trái, nói đớ, tăng huyết áp. Các triệu chứng khởi phát trước nhập viện khoảng 1,5 giờ.
Chụp cắt lớp vi tính sọ não xác định bệnh nhân bị nhồi máu não vùng cầu não, tắc hoàn toàn động mạch thân nền. Đặc biệt, bệnh nhân có một nhồi máu não đã cũ, hẹp trên 90% gốc động mạch đốt sống bên trái. Tuy nhiên, người nhà cũng như ông Tấn đều không hề biết ông từng bị đột quỵ.
Các bác sĩ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để tái thông mạch máu nhỏ xung quanh và làm mềm cục huyết khối đang gây tắc động mạch thân nền. Với cục huyết khối, bắt buộc phải lấy ra bằng dụng cụ cơ học nhưng gốc động mạch đốt sống bị hẹp trên 90%, không thể đưa dụng cụ vào để lấy.
Bác sĩ quyết định đặt stent Optimax tái thông động mạch đốt sống để mở đường luồn dụng cụ lấy huyết khối vào. May mắn được can thiệp điều trị sớm và thành công nên bệnh nhân phục hồi tốt, không phải chịu di chứng nào, vừa xuất viện sau 7 ngày.
Theo bác sĩ Hậu, đây là lần đầu bệnh nhân vào viện cấp cứu vì đột quỵ, được gọi là "đột quỵ tái phát". Ổ nhồi máu cũ không gây triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng, chỉ biểu hiện thoáng qua nên bệnh nhân không để ý nhận biết.
"Trường hợp nhồi máu não lần đầu mà không có biểu hiện ra bên ngoài, sẽ gây nhồi máu não lần sau diễn tiến nặng hơn", bác sĩ Hậu nói.
Ông Tấn có tiền căn tăng huyết áp, tăng lipid máu và nhồi máu não cũ. Đây đều là các yếu tố nguy cơ gây tái phát cơn đột quỵ. Trong đó, mỡ máu cao gây các mảng xơ vữa gây hẹp, tắc động mạch là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cơn đột quỵ.
"Sau khi xảy ra cơn đột quỵ lần đầu, nguy cơ tái phát rất cao", bác sĩ Hậu nói. Đặc biệt khi lần đầu không được phát hiện và người bệnh không chú ý kiểm soát, điều trị các bệnh lý nền để làm giảm các nguy cơ gây tái phát. Tái phát đột quỵ lần hai, lần ba... hậu quả có thể nặng nề hơn, khả năng phục hồi thấp hơn, chi phí điều trị cũng tăng lên so với đột quỵ lần đầu.
Theo bác sĩ Hậu, để giảm tái phát đột quỵ, cần làm giảm các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, tiểu đường, mỡ máu cao... Việc kiểm soát, điều trị các bệnh lý nền theo hướng dẫn của bác sĩ là rất quan trọng.
Luôn lắng nghe cơ thể, không bỏ sót những triệu chứng dù nhỏ nhất. Nhiều trường hợp trước khi khởi phát cơn đột quỵ, bệnh nhân có các dấu hiệu của thiếu máu não như đau đầu, chóng mặt, đột ngột nhìn mờ... nhưng không đi khám để được chẩn đoán, điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người khám sức khỏe tổng quát định kỳ, tầm soát các yếu tố nguy cơ. Người có nguy cơ cao mắc đột quỵ cần đặc biệt cẩn trọng như người trên 50 tuổi; người đang mắc các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng mỡ trong máu, bệnh tim; người hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, ít vận động... và người có tiền sử đột quỵ.
Nếu có các dấu hiệu khởi phát cơn đột quỵ, cần cấp cứu ngay tại bệnh viện có chức năng điều trị đột quỵ. Các dấu hiệu của đột quỵ não bao gồm đột ngột tê cứng mặt, méo mặt, tay; tê yếu hoặc khó cử động tay chân, một bên cơ thể; khó phát âm, nói không rõ chữ, nói ngọng bất thường; đột ngột choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác; thị lực bỗng nhiên giảm, mắt mờ, không nhìn rõ; đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân có thể gây buồn nôn hoặc nôn...