Là bệnh viện tuyến quận, huyện đầu tiên tại TP HCM chuyển đổi về công năng ban đầu, tiếp nhận điều trị các mặt bệnh ngoài Covid-19, Bệnh viện quận 7 đã vận hành ổn định trở lại, sau 4 tuần mở cửa. Hầu hết các bệnh nhân đều là nội quận, liên tuyến quận huyện, ít bệnh nhân ngoại tỉnh. Lượt khám, chữa bệnh nội và ngoại trú hai tuần qua duy trì khoảng 700 ca mỗi ngày.
Hiện, nhân sự đi chi viện tại các bệnh viện dã chiến chưa về hết, song bệnh viện quận 7 đã hoạt động lại tất cả khoa, gồm cả phẫu thuật cấp cứu, mổ phiên (mổ chương trình) vì nhu cầu cấp thiết của người bệnh như viêm ruột thừa, các bệnh lý ngoại khoa, sản khoa. Ngoài ra, bệnh nhân chủ yếu đến khám các bệnh mãn tính, khám thai định kỳ, hoặc điều trị sốt xuất huyết. Trong khi đó, số ca đến khám các di chứng hậu Covid-19 không đáng kể.
Trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh tại thành phố, bệnh viện tiếp nhận trung bình 1.300-1.400 bệnh nhân mỗi ngày. Đầu năm nay, lượt khám, chữa bệnh giảm xuống còn 800. Đến tháng 7 lượng bệnh nhân giảm sâu, còn khoảng 160-170 ca, chủ yếu là cấp cứu, chạy thận nhân tạo định kỳ. Lúc này, bệnh viện tách đôi, một nửa điều trị Covid-19, một nửa điều trị bệnh thông thường.

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt bỏ ruột thừa cho một trường hợp cấp cứu sau khi bệnh viện mở cửa trở lại. Ảnh: Bệnh viện quận 7
Bác sĩ Nguyễn Thế Vũ, Phó giám đốc phụ trách bệnh viện, cho biết khó khăn nhất của đơn vị hiện nay là quy định mới, không test nhanh sàng lọc Covid-19 cho tất cả người đến bệnh viện, trừ khi họ có triệu chứng. Tuy nhiên, với tỷ lệ bao phủ vaccine gần đạt 100% ở quận 7 thì trường hợp F0 không triệu chứng rất nhiều, nếu không xét nghiệm sàng lọc có nguy cơ để lọt F0 vào bệnh viện. Những F0 đã tiêm chủng, không triệu chứng vẫn có khả năng lây nhiễm, dù tỷ lệ lây thấp hơn so với không tiêm.
Để tránh bùng dịch trong cơ sở y tế, bệnh viện phải tăng cường nhân sự thường xuyên nhắc nhở người dân tuân thủ 5K, nhất là đeo khẩu trang thường xuyên và giữ khoảng cách hai mét. Người dân ý thức rất cao, hầu hết đều thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, bệnh viện vẫn duy trì khu vực khám sàng lọc Covid-19 cho người có triệu chứng ho, sốt, khó thở. Mỗi ngày đều phát hiện 4-5 ca dương tính mới, bệnh nhân sẽ được xử trí cấp cứu, làm xét nghiệm khẳng định và chuyển tới Bệnh viện dã chiến số 16 để được điều trị chuyên khoa.
Tại bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM (quận 5), tất cả chuyên khoa nội, ngoại trú đều có bệnh nhân đăng ký khám. Đơn vị mới hoạt động lại 52 trong tổng số gần 80 phòng khám chuyên khoa, vì có chuyên khoa nhiều phòng khám.
Lượng bệnh nhân cũng đã đông dần theo từng ngày, dù chưa thể đạt mức bình quân 5.000 ca mỗi ngày như trước dịch. Tổng số lượt khám tại đây trong ngày 25/10 đạt gần 3.600; ngày 22/10 là 2.900 bệnh; hồi đầu tháng 10 là khoảng 1.500; trong dịch con số này chỉ khoảng 1.000 ca. Người dân chủ yếu đến khám và điều trị các mặt bệnh về tiêu hóa, thần kinh, tim mạch, nội tiết, phổi, cơ xương khớp.
Là bệnh viện tư nhân nằm tại Củ Chi (cửa ngõ phía Tây Bắc TP HCM), vùng giáp ranh với Long An, Tây Ninh, Bình Dương, công suất hoạt động Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đạt khoảng 70% so với trước đây. Trong số 1.500 bệnh nhân đến khám mỗi ngày, bệnh nhân ngoại tỉnh chiếm khoảng 30%, bác sĩ Nguyễn Phú Định, Giám đốc chuyên môn bệnh viện cho hay.
Theo bác sĩ Định, trải qua gần một tháng chuyển đổi dần công năng, ông nhận thấy mô hình bệnh tật (các mặt bệnh khám) gần giống như trước dịch. Do đó, bệnh viện nhanh chóng đưa các hoạt động về gần như bình thường, với đầy đủ tất cả các chuyên khoa và phòng khám. Đặc biệt nơi này liên tục triển khai kỹ thuật thuộc những lĩnh vực chuyên sâu như can thiệp tim mạch, mổ sọ bão cột sống, phẫu thuật tim hở... Bên cạnh đó, cơ sở cũng tổ chức phòng khám hậu Covid-19 để phục vụ nhu cầu rất lớn của các F0 sau khi khỏi bệnh.

Người đến khám tại Bệnh viện Xuyên Á ngày 25/10 đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Ảnh: Bệnh viện Xuyên Á
Sau gần 5 tháng dồn lực dập dịch, TP HCM đã cơ bản kiểm soát được tình hình, thành phố từ cấp độ 4 giảm xuống cấp độ 3. Từ đầu tháng 10 đến nay, khi thành phố bước vào giai đoạn bình thường mới, 95 bệnh viện đã tham gia điều trị Covid-19 bắt đầu lộ trình chuyển đổi công năng về ban đầu hoặc thu hẹp giải thể các bệnh viện dã chiến. Bệnh viện các tuyến quận huyện, thành phố, trung ương đông dần bệnh nhân không Covid, song số người bệnh ngoại tỉnh chưa cao do các hạn chế về giao thông liên tỉnh.
Ngày 1/10, Sở Giao thông Vận tải đã chốt phương án di chuyển nội đô và một số trường hợp cần thiết giữa thành phố với các địa phương lân cận. Trong đó tạo điều kiện cho người từ các tỉnh vào thành phố để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu), theo đó, họ phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, giấy chuyển viện, giấy hẹn tái khám hoặc thông tin xác nhận đăng ký của các bệnh viện tại TP HCM.
Đến ngày 20/10, nới lỏng quy định phải có giấy xét nghiệm khi 12 chốt cửa ngõ vào thành phố dừng kiểm tra giấy xét nghiệm. Người dân vào thành phố chỉ phải xét nghiệm nếu có các triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở. Việc xét nghiệm cũng tiến hành trong trường hợp có yêu cầu điều tra dịch tễ; người đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 (nguy cơ rất cao) hoặc vùng phong tỏa.
Thư Anh