Bác sĩ Nguyễn Thế Vũ, Phó giám đốc phụ trách bệnh viện, cho biết bệnh nhân chủ yếu là điều trị ngoại trú. Trước khi Covid-19 bùng phát, Bệnh viện quận 7 tiếp nhận 150 bệnh nhân nội trú, khoảng 1.200-1.300 lượt khám ngoại trú mỗi ngày. Đầu năm 2021, số ngoại trú giảm còn 800 lượt. Ba tháng qua, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát dữ dội, lượng bệnh nhân ngoại trú giảm sâu, chỉ còn khoảng 160-170 ca.
Bệnh viện quận 7 là một trong hai bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đầu tiên tại TP HCM chuyển đổi công năng trở lại khám chữa bệnh thông thường, từ ngày 28/9. Bệnh viện còn lại là Đa khoa khu vực Củ Chi.
Quận 7 và Củ Chi là hai địa phương đạt tiêu chí an toàn sớm nhất tại TP HCM, được công nhận là vùng xanh. Theo lộ trình Sở Y tế thu hẹp các bệnh viện dã chiến, điều trị Covid-19 cho phù hợp với tình hình mới, trong đó Bệnh viện quận 7 và Đa khoa Khu vực Củ Chi thành hai "bệnh viện xanh" đầu tiên.
Theo kế hoạch, Bệnh viện quận 7 mở cửa dần dần, trước tiên là đón bệnh nhân khám ngoại trú, cấp cứu, sản khoa, chạy thận nhân tạo... Khi lượng bệnh nhân tăng lên, đồng thời nhân sự về dần từ các bệnh viện dã chiến Covid-19, bệnh viện sẽ mở rộng nội trú, nhất là phẫu thuật theo phiên.
Giải thể khu điều trị Covid-19, bắt đầu mở cửa trở lại từ 28/9, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi (cửa ngõ phía bắc thành phố) tiếp nhận khoảng 600-700 bệnh nhân không Covid-19 mỗi ngày. Số này tăng không đáng kể so với giai đoạn bệnh viện tách đôi, bằng 1/3 so với trước dịch. Các mặt bệnh chủ yếu là cấp cứu, bệnh mạn tính cần khám và cấp phát thuốc định kỳ, hoặc các ca sinh, bác sĩ Nguyễn Thành Phương giám đốc bệnh viện cho biết.
Theo lãnh đạo hai bệnh viện, trước khi trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, đơn vị đã nhiều lần vệ sinh, phun tiêu độc, khử khuẩn toàn bộ bệnh viện, nhất là các trang thiết bị, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ mầm bệnh tồn tại. Đơn vị tổ chức phân luồng, khám sàng lọc, test nhanh, giám sát chặt chẽ những người ra vào, tạo tâm lý tin tưởng cho người dân. Hiện tại, các bệnh viện vẫn duy trì khu vực sàng lọc, cách ly, để cách ly tạm thời các trường hợp nghi nhiễm, bố trí một khu đệm để kịp thời sơ cứu các bệnh nhân Covid-19 trước khi chuyển đến các cơ sở điều trị hoặc chuyển cách ly tại nhà nếu F0 đủ điều kiện.
Nhóm bệnh nhân Covid-19 còn cần điều trị được chuyển sang bệnh viện dã chiến khác hoặc khu cách ly tập trung trong khu vực. Một số ca nặng chuyển tới trung tâm hồi sức Covid-19 lân cận.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) vẫn hoạt động theo mô hình "tách đôi", một nửa điều trị bệnh thông thường, một nửa điều trị Covid-19. Vài ngày nay, khoảng 800-1.000 ca đến khám và điều trị, tăng nhẹ so với những tuần trước, song giảm 2/3 so với trước dịch. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện cho biết, tuần tới sẽ bắt đầu chuyển các F0 tại đây sang các bệnh viện dã chiến do đơn vị quản lý, dần giải thể khu điều trị Covid-19 nội viện, phục hồi công năng hoàn toàn. Lúc đó, khả năng cao số lượng bệnh nhân thường sẽ dần trở về 2.500-3.000 ca mỗi ngày như trước.
Các bệnh viện tuyến trên như Quân y 175, Đại học Y dược TP HCM, trong ngày đầu thành phố "bình thường mới" lượng bệnh nhân đã có dấu hiệu đông trở lại. Số liệu sơ bộ từ Bệnh viện Quân y 175, trong đợt dịch thứ 4 để đảm bảo an toàn bệnh viện khuyến cáo người bệnh hạn chế đến bệnh viện trừ các trường hợp cấp cứu, nên số bệnh nhân trong giai đoạn này giảm mạnh, khoảng 300 bệnh nhân, giảm gần 90% so với bình thường (3.000 bệnh nhân). Sáng 1/10, khi bệnh viện mở cửa trở lại, ghi nhận 1.000 bệnh nhân tới khám ngoại trú và điều trị nội trú.
Tương tự, đại diện Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM chia sẻ, tính đến 15h có hơn 1.300 bệnh nhân đến khám, đông hơn hẳn so với từ ngày 30/9 trở về trước. Tất cả các khoa đều có bệnh nhân đăng ký khám. Chủ yếu là người dân đang cư trú tại TP HCM, còn nhiều bệnh nhân ngoại tỉnh chưa thể đến khám do các chốt chặn tại cửa ngõ thành phố vẫn được kiểm soát, người dân các tỉnh thành lân cận không tự ý di chuyển vào TP HCM.
Hôm qua, trong dự thảo lấy ý kiến phương án tổ chức giao thông cho một số trường hợp có nhu cầu thường xuyên lưu thông giữa TP HCM và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu sau ngày 1/10, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình đã đề xuất cho người dân các tỉnh đến TP HCM khám, chữa bệnh.
Cụ thể, người dân (trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) và đảm bảo một trong hai điều kiện: giấy chuyển viện hoặc giấy hẹn tái khám của bệnh viện tại TP HCM; xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) cho phép di chuyển đến TP HCM để khám chữa bệnh. Trong đó, giấy xác nhận cần thể hiện đầy đủ thông tin về người đi khám bệnh, người điều khiển phương tiện và phương tiện.
Các bác sĩ dự đoán, sang tuần tới, số lượng bệnh nhân đến các bệnh viện sẽ tăng cao hơn nữa. Nguyên nhân là người dân dần cởi bỏ tâm lý e ngại sợ lây nhiễm ở bệnh viện và việc đi lại trong nội thành cũng đã thuận tiện, dễ dàng hơn nhiều.
Gần 5 tháng chống dịch, TP HCM có tổng cộng 95 bệnh viện trên địa bàn tham gia điều trị Covid-19. Đây là lần đầu tiên, ngành y tế thành phố buộc phải huy động nhiều loại hình bệnh viện khác nhau trong "cuộc chiến" với Covid-19 như bệnh viện dã chiến, bệnh viện tách đôi, bệnh viện chuyển đổi công năng toàn phần. Thành phố cũng lần đầu huy động tổng lực nguồn nhân lực từ tất cả bệnh viện trên địa bàn tham gia thu dung và điều trị Covid-19, nhận sự hỗ trợ nguồn nhân lực đông đảo lên đến hàng nghìn người được Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng huy động từ nhiều vùng trên khắp cả nước.
Khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, bên cạnh nhiệm vụ điều trị Covid-19, ngành y tế sẽ tiếp tục điều trị cho các bệnh khác, theo nguyên tắc phục hồi công năng các bệnh viện để đảm bảo mỗi quận huyện có một bệnh viện đa khoa để tiếp nhận bệnh không phải Covid-19.
Từ ngày 1/10 đến cuối năm, dựa vào số ca mắc mới, ca nhập viện, bệnh nhân nặng, hơn 80 bệnh viện tầng một và hai trong "tháp điều trị Covid-19 ba tầng" sẽ dần thu hẹp và đóng cửa. Riêng ba bệnh viện dã chiến số 13, 14 và 16 có trung tâm hồi sức Covid-19 do trung ương quản lý sẽ được giữ lại, sau đó biến đổi thành bệnh viện ba tầng và bàn giao cho y tế thành phố tiếp tục vận hành. Ngoài ra, 10 bệnh viện ở tầng ba (điều trị F0 nặng, nguy kịch) được giữ nguyên vì các ca Covid-19 nặng cần điều trị kéo dài.
Thư Anh - Lê Cầm