Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, trước khi Covid-19 bùng phát, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận trung bình 1.800-2.100 ca, trong đó 45-50% là bệnh nhi đến từ các tỉnh thành miền Tây Nam bộ. Trong dịch, lượt khám, chữa bệnh giảm sâu do TP HCM và các tỉnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Đầu đợt dịch thứ 4, phòng khám bệnh viện tiếp nhận khoảng 100-150 bệnh nhi nội trú, nay tăng gấp đôi lên 250-300 bệnh. Bốn ngày đầu tháng 10, lượng bệnh nhi đến từ các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Bình Dương tăng nhẹ, chiếm khoảng 20% tổng số ca. Những trẻ này chủ yếu là ca cấp cứu chuyển đến từ bệnh viện tỉnh, hoặc hẹn tái khám, tiêm chủng theo lịch; ít trường hợp tới khám, chữa bệnh ban đầu.
Theo bác sĩ Tiến, khi thành phố nới lỏng hạn chế, giao thông thuận tiện, nhu cầu khám chữa bệnh cho trẻ tăng lên sau thời gian dài giãn cách. Từ đó, đơn vị cũng sẽ mở dần các phòng khám chuyên khoa, các gói khám sức khỏe, bên cạnh hoạt động điều trị nội trú xuyên suốt. Dự kiến, nếu dịch ổn định thì sang tuần sau, bệnh viện sẽ mở lại tương đối đầy đủ các chuyên khoa, tái lập trạng thái bình thường mới nhưng vẫn duy trì các biện pháp phòng chống dịch.
Là bệnh viện chuyên khoa hạng một, làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh chuyên ngành ung bướu và được Bộ Y tế phân công phụ trách chỉ đạo tuyến các tỉnh thành phía Nam, Bệnh viện Ung bướu TP HCM tiếp nhận khoảng 4.000 lượt bệnh nhân đến tầm soát, điều trị nội trú, ngoại trú, cấp cứu mỗi ngày trước đợt dịch. Trong đó 75% là bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành phố như Bình Thuận, Ninh Thuận, Phan Thiết, Bình Dương, Đồng Nai, Sóc Trăng, Tây Ninh, Cà Mau...
Số bệnh nhân ngoại tỉnh đến hai cơ sở tại Bình Thạnh và TP Thủ Đức đều giảm sâu do Covid-19, tuần trước chỉ là 25%. Hôm qua, ngày đầu tiên bệnh viện chính thức mở cửa trở lại toàn bộ các hoạt động, số lượng bệnh nhân ngoại tỉnh đạt 35% (trong tổng số 1.165 lượt khám), bác sĩ Võ Hồng Minh Phước, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp thông tin.
Hoạt động theo mô hình "bệnh viện tách đôi", Bệnh viện TP Thủ Đức cũng giảm sâu lượng người bệnh thông thường trong đợt dịch vừa qua, nhất là nhóm bệnh nhân ngoại tỉnh. Nằm tại vùng giáp ranh với Bình Dương, Đồng Nai, đơn vị tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân đến từ hai địa phương này. Nửa đầu tháng 9, có khoảng 300 bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám (chiếm tỷ lệ 15%), sau đó tăng lên 400-500 ca vào cuối tháng (19%). Hiện, con số này là khoảng 800 ca, trong tổng số 3.500 bệnh nhân (23%) vào ngày 4/10.
"Nhìn chung tổng lượt khám, chữa bệnh và bệnh nhân ngoại tỉnh đều tăng gấp đôi so với tháng 9", bác sĩ Nguyễn Lan Anh, Phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, nói.
Các bác sĩ dự đoán, thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh được khống chế, giao thông liên tỉnh thông suất, lượng bệnh nhân sẽ tăng cao hơn nữa. Đồng thời, các bác sĩ nhấn mạnh, đơn vị "không có sự phân biệt giữa hai nhóm bệnh nhân nội thành và ngoại tỉnh". Mọi người dân khi đến khám, chữa bệnh đều được tiếp nhận và xử trí theo quy trình sàng lọc phòng chống dịch.
Người bệnh đã có giấy xét nghiệm Covid-19 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ, hoặc thẻ xanh vaccine hay chứng nhận đã khỏi bệnh và đã cách ly đủ 14 ngày tại nhà, sẽ không phải xét nghiệm Covid-19 đầu vào. Riêng nhóm bệnh nhân chưa tiêm vaccine; có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở hoặc đến từ vùng nguy cơ cao... phải xét nghiệm theo quy định. Những bệnh nhân có chỉ định nhập viện sẽ phải xét nghiệm RT-PCR để đảm bảo "sạch" Covid-19 trước khi được chuyển đến điều trị tại các khoa phòng nội trú, từ đó đảm bảo an toàn bệnh viện.
Tại các bệnh viện tuyến trung ương như Quân y 175 và Thống Nhất, nằm trong khu vực trung tâm thành phố thì lượng bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám những ngày qua không đáng kể. Số liệu từ Bệnh viện Quân y 175 cho thấy, ngày 4/10, 100% bệnh nhân đều cư trú tại TP HCM. Họ gồm người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp đến xét nghiệm Covid-19 định kỳ hoặc người dân đến khám ngoại trú, điều trị nội trú.
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Đình Thanh, giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ, theo thống kê sơ bộ, nhóm bệnh nhân ngoại tỉnh hiện chiếm chưa tới 5%. Đây là người mắc kẹt ở TP HCM trước khi thành phố giãn cách xã hội và số ít là người bệnh nặng được chuyển cấp cứu từ tuyến tỉnh.
"Nguyên nhân khiến lượt khám, chữa của người dân ngoại tỉnh giảm là do họ còn lo ngại môi trường bệnh viện tại TP HCM chưa an toàn, giao thông liên tỉnh đã dần mở cửa nhưng chưa thuận lợi như trước", bác sĩ Thanh nhận định.
Ngày 1/10, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã chốt phương án di chuyển nội đô và một số trường hợp cần thiết giữa thành phố với các địa phương lân cận. Trong đó, Sở tạo điều kiện với những người từ các tỉnh vào thành phố để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) và phải có giấy chuyển viện (của các bệnh viện) từ các tỉnh, thành phố đến bệnh viện tại TP HCM, giấy hẹn tái khám hoặc thông tin xác nhận đăng ký của các bệnh viện tại TP HCM.
Người bệnh có thể di chuyển bằng các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh (ôtô, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không) hoặc xe ô tô cá nhân, nhưng lái xe phải phải đáp ứng điều kiện y tế theo quy định.
Thư Anh