Y tế là một trong 8 lĩnh vực được UBND thành phố cho phép hoạt động lại từ 1/10, công bố tại họp báo sáng 30/9 về chỉ thị mới điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.
Các cơ sở y tế được chia thành 3 nhóm:
Nhóm một là bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, bệnh xá thuộc lực lượng Công an nhân dân. Các phòng khám chuyên khoa được mở cửa gồm: nội tổng hợp, hệ nội (tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, nhi và chuyên khoa khác), tư vấn sức khỏe, ngoại khoa, phụ sản, nam học, răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng, mắt, thẩm mỹ, phục hồi chức năng, tâm thần, ung bướu, da liễu, y học cổ truyền, dinh dưỡng và hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy, điều trị HIV/AIDS, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phòng X-quang, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, tư vấn và điều trị dự phòng, bệnh nghề nghiệp, y học gia đình, nhà hộ sinh.
Nhóm hai là các cơ sở dịch vụ y tế, như tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp; chăm sóc sức khỏe tại nhà; cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài; dịch vụ kính thuốc.
Nhóm ba gồm các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, như doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập, bảo quản thuốc, bán buôn, bán lẻ thuốc; sản xuất, xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ mỹ phẩm; doanh nghiệp sản xuất, buôn bán, xuất nhập khẩu, bán lẻ vật tư, trang thiết bị y tế.
TP HCM trải qua hơn 120 ngày giãn cách với nhiều cấp độ khác nhau. Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 26/5, đến nay thành phố đã ghi nhận hơn 380.870 ca nhiễm (gần 50% tổng ca nhiễm ca nước), đang điều trị khoảng 35.000 bệnh nhân; 14.631 người tử vong vì Covid-19.
Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, ngành y tế thành phố cũng có nhiều chiến lược để phù hợp với tình hình. Những cơ sở y tế không đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch tạm thời đóng cửa, nhiều bệnh viện công và tư chuyển đổi công năng hoàn toàn hoặc một phần theo mô hình "bệnh viện tách đôi" tham gia điều trị Covid-19; thành phố cũng trưng dụng nhiều cơ sở như ký túc xá, trường học, nhà tái định cư... làm bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19; các bệnh viện lớn xây dựng trung tâm hồi sức để điều trị bệnh nhân nặng...
Hiện nay, tình dình dịch bệnh đã có những biến chuyển tích cực, Sở Y tế đang xây dựng lộ trình thu hẹp, giải thể, chuyển đổi công năng, hoặc biến đổi hơn 80 bệnh viện tại tầng 1 và 2 của tháp điều trị Covid-19 ba tầng, giữ lại 10 trung tâm hồi sức ở tầng 3 để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân nặng. Các lực lượng y tế chi viện chỉ rút khi số bệnh nhân nặng giảm đi, phù hợp với năng lực điều trị của thành phố.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm; tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% được tiêm mũi một và trên 45% được tiêm mũi hai.
Tuy nhiên, tình hình dịch ở thành phố vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Mặt khác, tỷ lệ tiêm vaccine tại các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vaccine mũi hai của thành phố chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của thành phố phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng.
Do đó, tinh thần chỉ thị mới là sẽ không mở cửa ồ ạt mà phải có lộ trình để đảm bảo an toàn với tinh thần sức khỏe người dân là trên hết. Theo đó, các ngành nghề được hoạt động theo thứ tự ưu tiên, có lộ trình, theo danh mục cụ thể, ông Bình cho biết.
Thư Anh