Phương pháp này chỉ hiệu quả khi sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, quyết liệt và nghiêm ngặt. Vào đầu năm 2020, khi đại dịch bùng phát, cuộc sống gần như ngừng lại khi nhiều nơi trên thế giới buộc phải phong tỏa theo hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, mỗi thành phố.
Tại Mỹ, phong tỏa không diễn ra trên toàn quốc mà giới hạn trong các bang. Tuy nhiên, việc phong tỏa diễn ra muộn và bị cản trở bởi những thông điệp không rõ ràng, cũng như sự phản kháng, khiến số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ ở mức cao nhất thế giới.
Nghiên cứu đã chứng minh các biện pháp hạn chế kịp thời, quyết liệt có hiệu quả cao hơn. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Sunday Times, nhà phân tích khoa học Lauris Garrett, thành viên Ban Cố vấn An ninh Y tế Toàn cầu thuộc một tổ chức phi chính phủ, cho biết: "Ta có bằng chứng chắc chắn việc phong tỏa nghiêm ngặt tại Mỹ có liên quan đến các đợt bùng phát ít nghiêm trọng hơn, số người chết thấp hơn và phục hồi nhanh hơn".
Tuy nhiên, theo bà, việc này kéo theo hệ lụy kinh tế, ảnh hưởng lớn tới những lao động nghèo, có trình độ thấp nhất.
"Nếu không có sự can thiệp đúng đắn của chính phủ, phong tỏa sẽ làm trầm trọng thêm sự phân biệt đối xử, khoét sâu khoảng cách giàu nghèo và khả năng tiếp cận những thứ cơ bản như thực phẩm và nhà ở. Người nhập cư và các nhóm thiểu số đặc biệt dễ tổn thương", bà Garrett nhận định.
Ngoài ra, phong tỏa kéo dài còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cản trở việc đi khám định kỳ, đồng thời góp phần gia tăng vấn nạn lạm dụng rượu bia, ma túy và bạo lực gia đình.
Trong năm 2020, một số quốc gia như Việt Nam, Thái Lan và Singapore đã có hành động đúng đắn, giúp kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Tiến sĩ Thomas Hale, Đại học Oxford, cho hay: Một số chính phủ đã ngăn chặn làn sóng đầu tiên và duy trì điều đó bằng cách kết hợp các biện pháp phong tỏa, chống dịch có mục tiêu, xét nghiệm rộng rãi, truy vết và kiểm soát biên giới chặt chẽ. Những nước như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và New Zealand không chỉ làm phẳng đường cong dịch bệnh mà còn duy trì trạng thái đó, dù gặp phải một số đợt bùng phát nhỏ.
Hong Kong đã ngăn chặn thành công làn sóng dịch thứ tư. Đặc khu này tiếp tục duy trì số ca nhiễm hàng ngày ở mức thấp, từ 0 đến 8 ca mỗi ngày trong tháng qua, mặc dù tốc độ tiêm chủng còn chậm chạp.
Bên cạnh biện pháp giãn cách xã hội, xét nghiệm bắt buộc và kiểm soát biên giới, Hong Kong cũng tiến hành phong tỏa bất ngờ tại các tòa nhà để xét nghiệm và phát hiện sớm các ca Covid-19. Kể từ ngày 23/1, chính phủ đã thực hiện 47 cuộc phong tỏa như vậy trên toàn đảo, bao gồm 200 tòa nhà và 40.000 cư dân. Tổng cộng có 22 ca nhiễm được phát hiện.
Theo tiến sĩ Leung Chi Chiu thuộc Hiệp hội Y tế Hồng Kông, khu vực này không đủ cơ sở hạ tầng và năng lực xét nghiệm để phong tỏa trên diện rộng như ở Trung Quốc đại lục. Ông cho biết một phần quan trọng của nỗ lực chống dịch nằm ở việc giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay.
"Chính hành vi của người dân có thể quyết định sự lây lan của dịch", ông Leung nhận định. Theo ông, lệnh phong tỏa và giới nghiêm cần được thực hiện "đủ lâu để các biện pháp khác như xét nghiệm, truy vết và tiêm chủng có thể kiểm soát sự lây lan".
Khi Trung Quốc đóng cửa tỉnh Hồ Bắc vào cuối tháng 1/2020, nhiều người đã chỉ trích chính phủ vì động thái hà khắc. Song, các biện pháp cứng rắn - kết hợp chính sách trung ương và cơ sở - đã góp phần khống chế dịch bệnh trong nước.
Mô hình dữ liệu của các nhà khoa học từ Đại học Nông nghiệp Hồ Nam và Bệnh viện Nhân dân tỉnh Quảng Đông cho thấy, việc phong tỏa ở Vũ Hán và hạn chế đi lại trên toàn quốc giúp ngăn chặn sự lây lan. Tuy nhiên, cái giá là không nhỏ. Khi các cơ sở kinh doanh đóng cửa, nền kinh tế Trung Quốc suy giảm 6,8% trong quý một năm 2020.
Kể từ đó, nước này phải điều chỉnh phương án, áp dụng phong tỏa tại các ổ dịch nhất định, đồng thời tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, đôi khi lặp đi lặp lại. Ví dụ, trong đợt bùng phát vào mùa đông ở Bắc Kinh, quận Thuận Nghĩa bị hạn chế đi lại, trong khi phần còn lại của thành phố vẫn hoạt động bình thường.
Chính quyền thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, hôm 29/5 phát lệnh phong tỏa tại 5 khu phố thuộc quận Liwan, yêu cầu người dân ở trong nhà và mỗi gia đình chỉ được cử một người đi mua nhu yếu phẩm hàng ngày, sau khi phát hiện một ổ dịch mới lan "nhanh và mạnh" với các ca nhiễm biến thể Ấn Độ.
Chính phủ Australia đã dựng nên "pháo đài" thông qua một số biện pháp nghiêm ngặt nhất thế giới, cấm người nước ngoài nhập cảnh và hạn chế công dân Australia về nước hoặc rời đi. Người nhập cảnh phải cách ly bắt buộc 14 ngày.
Khi các nước tăng cường tiêm chủng và nối lại du lịch quốc tế, Australia đi ngược lại xu hướng này, không vội vàng mở cửa biên giới hoặc thay đổi các quy tắc đi lại. Thủ tướng Scott Morrison cho biết chính sách sẽ kéo dài cho đến giữa năm 2022, sau đó sẽ mở cửa dần.
Australia chống dịch thành công nhờ phong tỏa nghiêm ngặt và thắt chặt kiểm soát biên giới. Gần đây, nước này đã mở bong bóng du lịch không cần cách ly với New Zealand. Chính phủ muốn thực hiện chính sách tương tự với Singapore và các quốc gia khác, song những thỏa thuận này khó có thể xảy ra trong tương lai gần, nhất là khi dịch đang bùng phát ở Singapore và những nơi khác ở châu Á. Các nhà chức trách cũng tìm cách để đón sinh viên quốc tế trước áp lực từ các trường đại học.
Theo một cuộc khảo sát của Newspoll, 73% người Australia tin rằng cần đóng cửa biên giới cho đến khi dịch được kiểm soát trên toàn cầu hoặc tới giữa năm 2022. Trong khi đó, chỉ 21% ủng hộ mở cửa khi tất cả người dân được tiêm chủng. Số còn lại chưa ra quyết định.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của chính phủ ngày càng vấp phải nhiều chỉ trích từ các chuyên gia và nhà phê bình. Theo nhà báo chính trị Paul Kelly, "nỗi ám ảnh về pháo đài Australia" của công chúng có thể gây tổn thất cho ngành du lịch, đầu tư và cản trở kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Mai Dung (Theo Straits Times)