Tôi nhớ dịp công tác tại Thái Lan, trên đường cao tốc, dọc theo hành lang tuyến đường, thỉnh thoảng lại bắt gặp những đoạn có mái che. Người bạn Thái Lan cho biết, nó dùng để giúp cho những người lỡ độ đường, phải đi bộ trong tiết trời nắng nóng tại xứ nhiệt đới này.
Tại Đức, trên những tuyến phố nội đô, dù không được đỗ xe, nhưng nhà chức trách đã tạo thuận lợi cho người dân trong trường hợp bất khả kháng để có chỗ dừng tạm mà không làm ảnh hưởng đến lưu thông trên đường. Luôn tư duy làm sao để người dân thuận tiện nhất trong các lĩnh vực và ở mọi điều kiện khác nhau đã dẫn đến những điểm dừng đỗ nhanh như đã nói trên. Tuy nhiên, ý tưởng rất nhân văn đó chắc chắn xuất phát từ chính yêu cầu của các cơ quan chức năng đặt ra cho các nhà đầu tư.
Gần đây công luận đã tỏ ra bức xúc khi khá nhiều "công bộc của dân" lại có những đề xuất, phát ngôn dường như đang dồn thêm gánh nặng cho dân, coi dân là "chùm khế ngọt". Đã có người ví von "Thu thuế (của dân) phải như vặt lông vịt...vặt càng nhiều càng tốt"... một nghị sĩ trên nghị trường đã có đề xuất gây sốc: "Thu phí chia tay khi đi nước ngoài".
Có thể khoản phí này hầu như không gây biến động nhiều đến quỹ tài chính của người dân, vì "chỉ chưa bằng một bát phở sáng"... Nhưng đề xuất lại cho thấy một sự vô cảm trong bối cảnh giá cả đang "leo thang" chóng mặt, nhiều khoản phí đã lộ rõ sự bất cập, việc thêm bất cứ một khoản phí nào đã phải thận trọng, cân nhắc.
Khoan sức dân sẽ có được sự đồng cảm của người dân. "Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong" (Thanh Tịnh).
Dưới thời Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi, bậc đại nho và cũng là tâm phúc của nhà vua đã từng đúc kết "Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân", và "Làm lật thuyền mới thấy sức dân mạnh như nước". Cả đời mình ông chỉ đau đáu mơ ước về một triều đại thịnh trị như thời vua Nghiêu (Ngu), vua Thuấn trong sử sách:
"Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng.
Dân giàu đủ khắp đòi phương".
Trước Nguyễn Trãi, thời nhà Trần, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã di nguyện lại cho vua Trần Anh Tông "Muốn giữ nước bền vững, thượng sách là khoan thư sức dân".
"Khoan" nghĩa là từ từ, chầm chậm, "thư" có nghĩa là tạo khoảng cách xa nhau. "Khoan thư sức dân", nghĩa là "nới sức dân, không tạo áp lực cao lên dân".
"Khoan thư sức dân", ở khía cạnh nào đó còn được hiểu là việc giảm gánh nặng cho dân. Hơn thế nữa, phải làm sao để người dân thay vì phải đóng góp, sẽ được tạo điều kiện để tăng nguồn thu nhập, mức sống bình ổn. Dân có giàu, nước mới mạnh.
Bên cạnh đó, người dân phải được tham gia đóng góp vào những quyết sách lớn liên quan đến quyền lợi của chính họ. Điều tiên quyết là làm sao cho dân hiểu, dân tin, và dân sẽ làm. Nó gắn với trách nhiệm giải trình, minh bạch hoá trong các nguồn thu, chi ngân quỹ mà người dân đóng góp. Nó gắn với phẩm chất "chí công, vô tư" của người lãnh đạo ở các cấp, các ngành.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Con khỉ thứ 100' và sự xuống cấp của văn hoá
>> 'Người Việt bán cái mình có, không bán cái khách hàng cần
Nếu huy động sức dân chỉ đơn thuần tìm cách buộc người dân phải nộp tiền, khai thác các nguồn thu trong dân, kế ấy là thất sách, không bền. Làm sao để người dân hoàn toàn tự giác, vui vẻ, tình nguyện tham gia đóng góp, thậm chí không tiếc sức người, sức của phụng sự đất nước, đó mới là kế sách lâu bền.
Làm công chức mà chỉ số EQ thấp thì khó chia sẻ với người dân. EQ là "trí tuệ của cảm xúc", theo đó phải có sự thấu hiểu bản thân, hiểu tổ chức, hiểu xã hội, Mỗi quyết sách, mỗi công trình, dự án dịch vụ công phải thể hiện sự tận tâm, tận lực khi cung ứng cho người dân, phải vì dân.
Đừng bắt người dân phải luôn trong tình trạng đối phó, thấp thỏm với bao nhiêu nghĩa vụ "từ trên trời rơi xuống". Khoan sức dân là để "sức khoẻ kinh tế" của người dân ổn định, bền vững, nhờ đó mới có thể đóng góp được nhiều nhất cho đất nước, cho cộng đồng và cho xã hội.
Hy vọng rằng, mỗi một đề xuất, một ý tưởng chính sách, pháp luật được đưa ra đều có sự cân nhắc, thận trọng, phân tích tác động một cách thấu đáo, sâu sắc để tránh những băn khoăn không đáng có của người dân.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
TS Nguyễn Thị Hường