Kỳ họp lần thứ 6 Quốc hội khóa 13 đã có phần tranh biện về sự xuống cấp của văn hóa tại Việt Nam mà theo nhiều đại biểu, đây là tình trạng thực sự đáng báo động. Có nhiều dẫn chứng được đưa ra với những biểu hiện và mức độ khác nhau về sự xuống cấp đó, nhưng tựu trung đều cho rằng, đây là các vấn đề xã hội nghiêm trọng cần được giải quyết. Khá nhiều người quy trách nhiệm chính khi để xảy ra tình trạng này là do năng lực của ngành văn hóa. Vậy thực chất của vấn đề này là gì? Ngành văn hóa liệu có thể "chế" ra được cây đũa thần để làm thay đổi hiện trạng...?
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện "con khỉ thứ 100". Chuyện rằng, có chú khỉ con nhận được từ mẹ một củ khoai lấm lem bùn đất. Khi đùa nghịch với củ khoai dưới nước, con khỉ nhận thấy củ khoai ăn ngon hơn sau khi được gột rửa lớp bùn đất lấm lem. Nhận thấy lợi ích của việc gột rửa đó, nó đã "truyền thông điệp" cho cha mẹ. Thoạt tiên việc rửa khoai chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình chú khỉ nọ. Nhưng dần dần, hành vi đó lan tỏa ra cả đàn khỉ sống trên hòn đảo nơi gia đình chú khỉ con sinh sống.
Tuy nhiên, một thời gian sau, người ta ngạc nhiên khi phát hiện, việc rửa khoai trước khi ăn đã lan dần sang cả những chú khỉ ở các hòn đảo lân cận theo một cách nào đó, cho đến khi con khỉ thứ 100 thực hiện hành vi này, người ta nhận ra đây thực sự là một hiệu ứng thú vị. Bài học rút ra là, những gì hợp lý, mang đến lợi ích thực tế, tự nó sẽ lan toả và thẩm thấu đến từng cá nhân theo cách tự nhiên và đơn giản nhất.
Đã có người vận dụng hiệu ứng này để đề xuất việc định hình những chuẩn giá trị học đường nhằm lan tỏa các giá trị văn hoá tích cực. Vậy con đường định hình và lan toả các giá trị văn hoá tốt đẹp theo hiệu ứng "Con khỉ thứ 100" liệu có thực sự phù hợp trong bối cảnh ở nước ta hiện nay?
>> Con hư - cha mẹ có lỗi trước khi trách nhà trường
Văn hóa là sản phẩm được hình thành từ môi trường, điều kiện sống của con người (Bao gồm điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội), nó chứa đựng những biểu hiện gắn với giá trị vật chất và tinh thần và có nội hàm khá rộng. Trong văn hoá, các biểu hiện thuộc về lối sống, hành vi, ứng xử, giao tiếp... được nhìn nhận đánh giá trên cả phương diện trực quan, lý tính, và cả phương diện ý niệm, cảm tính.
Mỗi biểu hiện văn hoá đều chịu sự tác động của nhiều yếu tố nội tại và ngoại tại. Theo đó, sự thay đổi của các yếu tố nội tại như: nhận thức, tư duy, năng lực, trình độ, tính cách, phẩm chất...sẽ chi phối mạnh mẽ đến hành vi, ứng xử, giao tiếp trong các mối quan hệ cá nhân và quan hệ xã hội. Mặt khác, những yếu tố ngoại tại như điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội, sự vận hành của các khách thể bên ngoài cá nhân...lại có tác dụng điều chỉnh đến nhận thức, tư duy..., hình thành giá trị chuẩn mực chung trong các thiết chế xã hội.
Nói như vậy để thấy, bất cứ sự thay đổi nào của các yếu tố nội tại hay ngoại tại đều tác động đến văn hoá và những biểu hiện cụ thể của nó. Đặc biệt với con người Việt Nam, vốn quen sống trong một môi trường xã hội có sự cố kết cộng đồng cao, tính cách uyển chuyển, linh hoạt: "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", thì sự tác động nói trên càng trở nên sâu sắc.
Chính vì vậy, nếu muốn thay đổi các chuẩn giá trị văn hoá xã hội cho phù hợp với chuẩn mực luật pháp và đúng với mong muốn của giai cấp thống trị, điều cốt yếu là phải xây dựng được một môi trường trong sạch, minh bạch và công bằng trong quản lý xã hội. Các chuẩn giá trị được định hướng phải gần hoặc tương đồng với những giá trị văn hoá truyền thống đã được cộng đồng thừa nhận. Sự thừa nhận xuất phát từ niềm tin, từ thước đo hiệu quả trong mọi lĩnh vực của cuộc sống của người dân.
Thành thử nếu chỉ để riêng ngành văn hoá loay hoay giải "bài toán xuống cấp của văn hoá" thực sự là quá sức. Singapore là quốc gia đã xây dựng chỉ số tử tế (Graciousness Index – GI) nhằm theo dõi việc xây dựng một đất nước đa chủng tộc thành một xã hội văn minh và chu đáo.
Nhật Bản tuy không xây dựng bộ chỉ số tử tế quốc gia, nhưng là đất nước mà sự tử tế của người dân đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Để làm được điều đó, cả Nhật Bản và Singapore đã chọn cách bắt đầu bằng giáo dục và từ giáo dục nhằm truyền bá sâu rộng các giá trị văn hoá tốt đẹp. Tại Nhật Bản, trẻ được giáo dục tính tiết kiệm, sự trung thực, tính trách nhiệm với cộng đồng ngay từ khi học ở trường mầm non. Còn ở Singapore, trẻ được dạy về sự bình đẳng, về lòng tự trọng ngay trong những bài học đầu tiên. Giáo dục có mục tiêu, có định hướng và mang tính hệ thống, đồng bộ sẽ định hình văn hoá cá nhân.
Rõ ràng nếu biết thuận theo tự nhiên, nhà nước sẽ giúp các giá trị tích cực tác động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và bền vững hơn. Nói cách khác, hiệu ứng "con khỉ thứ 100" sẽ được coi là một trong các giải pháp dựa trên quy luật lan truyền khi nhà nước muốn "nâng cấp" chuẩn mực văn hoá.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.