Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, có bài viết chia sẻ đâu là giới hạn trách nhiệm của những người thực thi công vụ:
Có lần tôi cùng mấy người bạn đi trên cung đường thuộc địa bàn của một tỉnh, mặt đường láng mịn khá đẹp, xe lướt êm ru khiến chúng tôi không khỏi tấm tắc khen. Nhưng đến đoạn giáp ranh giữa tỉnh này với tỉnh lân cận thì cảm giác chất lượng đường kém hẳn, phải mất đến vài chục mét xe mới lại chạy được bình thường.
Giải thích cho sự băn khoăn của tôi, một anh bạn nói: Đoạn giáp ranh này chưa phân định rõ thuộc địa bàn tỉnh nào nên mỗi bên chỉ làm trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Tôi chợt nhớ đến cả một vùng đất ven sông rộng mênh mông, nơi giáp ranh giữa hai địa phương vẫn được coi là phát triển mạnh. Cây cầu nối hai địa phương khá hiện đại bắc ngang sông và cũng vắt qua vùng giáp ranh nọ, song cho đến nay, vùng đất ấy vẫn chưa rành rẽ thuộc về địa phương nào. Thế là cả một vùng đất mầu mỡ, được bồi đắp bởi phù sa con sông lớn, hứa hẹn nhiều tiềm năng, đành nằm im suốt bao năm. Chưa thuộc địa giới hành chính của vùng lãnh thổ nào đương nhiên cũng chưa ai phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí của vùng tài nguyên đất đai đó.
Thực thi đầy đủ nhiệm vụ theo sự phân công, phân cấp vốn được coi là đã hoàn thành trách nhiệm được giao. Những gì nằm ngoài phạm vi, dù biết "có vấn đề", cần phải tham gia giải quyết, nhưng nhiểu cán bộ, công chức, viên chức vẫn né tránh vì "không thuộc trách nhiệm của mình". Khi nảy sinh những sự cố đáng tiếc, câu nói khá quen tai của nhiều bậc công bộc là "Đã làm hết trách nhiệm của mình". Vậy giới hạn của trách nhiệm là như thế nào?
Khi người chiến sĩ công an giao thông tạm bỏ chốt để cõng một cụ già qua đường, dư luận đã vô cùng cảm kích. Trong những nhiệm vụ mà người công an nọ được phân công, hẳn không bao gồm việc anh đã làm với bà cụ. Có một thứ mệnh lệnh khác đòi hỏi anh phải tuân thủ, ấy là mệnh lệnh của trái tim.
Câu chuyện về 47 thầy giáo trường tiểu học Tri Lễ (Nghệ An), vượt qua muôn vàn khó khăn để gieo con chữ cho trẻ em người H’mông trên đỉnh Phà Cà Tún với độ cao trên 1.500m đã có sức lay động lòng người.
Không chỉ dạy chữ, các thầy còn đem lại cho các em nụ cười, gieo vào tâm hồn trong trẻo của các em niềm tin yêu cuộc sống khi chính các thầy phải vật lộn để duy trì cuộc sống của mình.
'Con khỉ thứ 100' và sự xuống cấp của văn hoá
Cô bé Singapore nhặt rác trả lại cho vị khách Việt 'đánh rơi'
Không ai bắt các thầy phải gắn bó lâu dài với vùng đất còn hoang sơ, thiếu thốn đủ đường ấy. Nhưng họ vẫn bám lớp, bám trường, vẫn say sưa, nhiệt huyết với việc trồng người.
Giới hạn trách nhiệm tự nó đã không còn mang đúng nghĩa nữa rồi.
Nếu chiểu theo khái niệm, "trách nhiệm" có hàm nghĩa nói về những công việc, nhiệm vụ mà mỗi cá nhân, đơn vị thuộc các cấp, các ngành...được giao, cần phải thực hiện, và sẽ phải tự gánh chịu hậu quả nếu không hoàn thành.
Để làm tròn trách nhiệm đòi hỏi khá nhiều nỗ lực, cố gắng của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị của các cấp, các ngành và địa phương. Trách nhiệm không chỉ gắn với cái trước mắt mà còn phải gắn với cả quá trình, không chỉ liên quan đến hiện tại mà còn với tương lai.
Ngoài trách nhiệm cá nhân, còn có trách nhiệm tập thể. Và rộng hơn nữa, là trách nhiện với cộng đồng. Khi người công bộc của dân ý thức được trách nhiệm này, sẽ tránh được thói vô cảm, sự vị kỷ.
Trách nhiệm cộng đồng được dựa trên nguyên lý của trái tim, của những giá trị nhân văn. Thực hiện trách nhiệm ấy, những bậc công bộc sẽ tạo lập được niềm tin từ người dân.
Tôi nhớ đến câu nói của Tony Robbins, diễn giả nổi tiếng người Mỹ: "Cuộc sống là một món quà, và nó cho chúng ta đặc ân, cơ hội, và trách nhiệm trao tặng lại điều gì đó bằng cách trở nên lớn lao hơn.".
Món quà trách nhiệm trao tặng chính là việc vượt qua được cái "vòng kim cô" cứng nhắc của giới hạn, để tìm và lựa chọn cho mình và cho cộng đồng những giá trị ưu việt nhất.
Chính phủ vừa phê duyệt đề án "Văn hoá công vụ", kỳ vọng của các nhà lãnh đạo khối hành pháp là xây dựng được nguồn nhân lực khu vực công chuyên nghiệp, có phẩm chất, có năng lực và trình độ chuyên môn tốt.
Tuy nhiên, để hoàn thành trách nhiệm, cái mà mỗi người cần có là ý thức tự giác trong thực thi công vụ. Sự tự giác sẽ khiến họ không chỉ làm tròn, làm tốt nhiệm vụ được phân công, mà hơn thế nữa, họ sẽ biết quan tâm, biết sẻ chia vì lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng.
Giới hạn trách nhiệm theo đó sẽ là một khung mềm. Hay nói đúng hơn, giới hạn trách nhiệm không bó khuôn trong phạm vi những công việc được giao, mà còn mở rộng đến cả những việc mà mỗi công bộc của dân có thể làm tốt nhất cho tập thể, cho xã hội.
Vì thế có thể nói, nếu chỉ hiểu và thực hiện trách nhiệm một cách cứng nhắc, giáo điều chưa chắc đã có lợi cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.