BS Phạm Hồng Thuyết, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi có nguồn gốc từ động vật. Mầm bệnh có thể dễ dàng lây lan trong môi trường tụ tập đông người, giao thương, thời tiết thay đổi bất thường. Bác sĩ liệt kê các loài vật dễ lây truyền bệnh sang người vào dịp Tết, khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa.
Chó, mèo
Chó và mèo là nhóm động vật lây truyền dại chủ yếu tại Việt Nam, chiếm hơn 97% ca bệnh. Virus dại xâm nhập qua vết cắn, cào hoặc hành động liếm vào vết thương hở.
Dại không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100%. Tiêm phòng vaccine và huyết thanh là biện pháp duy nhất hiện có để chủ động phòng bệnh.
Phác đồ tiêm dại khi bị phơi nhiễm gồm 3-5 mũi tùy đường tiêm, tình trạng vết thương, con vật... Bên cạnh việc tiêm ngừa khi bị cắn, cào, BS Thuyết cho biết vaccine dại có thể tiêm dự phòng trước khi có vết thương, giúp người dân chủ động phòng bệnh, giảm số mũi tiêm khi bị phơi nhiễm. Phác đồ tiêm dự phòng gồm 3 mũi, chỉ cần tiêm thêm 2 mũi khi có vết thương, không cần tiêm huyết thanh.
Muỗi
Muỗi là vật trung gian của nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, sốt rét, sốt vàng... Trong đó, sốt xuất huyết là một trong 10 gánh nặng y tế toàn cầu, theo WHO. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể dẫn đến giảm tiểu cầu, cô đặc máu, suy đa tạng... Một người có thể mắc sốt xuất huyết bốn lần, lần sau thường nặng hơn lần trước.
Còn viêm não Nhật Bản nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ tử vong lên đến 30%. Tỷ lệ di chứng do viêm não Nhật Bản lên đến 50% với các ảnh hưởng lâu dài như co giật, mất thính lực, thị lực, trí nhớ...
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là muỗi aedes aegypti, thường trú ngụ trong nhà ở các góc tối tăm hoặc các vũng nước đọng, chum lọ... quanh nhà. Trong khí hậu nóng ẩm, loại muỗi này có thể sống đến ba tháng. Muỗi gây viêm não Nhật Bản là muỗi Culex, thường được tìm thấy ở vùng thôn quê, quanh các đồng lúa, mương rãnh, ưa các khu vực nước trong.
Để phòng bệnh, bên cạnh các biện pháp ngủ màn, mặc quần áo dài tay, tránh muỗi đốt, BS Thuyết khuyến cáo người dân cần rà soát sổ tiêm và tiêm ngừa vaccine viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết.
Vaccine viêm não Nhật Bản có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ. Trong đó, vaccine viêm não Nhật Bản tại các trung tâm tiêm chủng dịch vụ tiêm sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Mũi ngừa sốt xuất huyết tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn, phác đồ tiêm hai mũi cách nhau ba tháng. Vaccine giúp phòng bệnh và ngăn tái nhiễm, giảm tỷ lệ nhập viện lên đến 90%.
Gia cầm
Gia cầm là ổ chứa lây truyền virus A/H5N1, A/H7N9 sang người. Bệnh lây truyền trực tiếp khi người ăn thịt, trứng của gà nhiễm bệnh chưa nấu chín kỹ. Một nguồn lây khác là thông qua việc sử dụng thức ăn, nước, dụng cụ giết mổ, mặc quần áo bị ô nhiễm virus từ dịch hô hấp, phân của gà bị nhiễm.
Người bệnh thường có triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh, gây suy hô hấp, suy đa phủ tạng, rối loạn ý thức và thậm chí tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh cho người.
Để phòng bệnh, BS Khuyết khuyến cáo người dân không ăn các thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, đảm bảo sơ chế kỹ, ăn chín, uống chín. Khi có biểu hiện cúm như sốt, đau ngực, khó thở, không đáp ứng với các thuốc hạ sốt thông thường, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn.
Lợn
Việc tăng giết mổ, tiêu thụ thịt lợn dịp Tết có thể làm tăng khả năng tiếp xúc với loài động vật này. Nếu không được chế biến kỹ, thịt lợn là nguồn lây của nhiều tác nhân như liên cầu khuẩn lợn, giun xoắn...
Liên cầu khuẩn trú thời gian dài tại vùng họng của lợn mà không gây bệnh. Khi con vật suy yếu như mắc một bệnh lý khác, liên cầu khuẩn phát triển mạnh gây bệnh. Vi khuẩn này lây sang người thông qua các sản phẩm tươi sống từ con vật như tiết canh, thịt và nội tạng không được nấu chín. Người nhiễm liên cầu khuẩn lợi có thể gặp viêm màng não, xuất huyết, viêm cơ tim nặng dẫn đến tử vong.
Nhiễm giun xoắn từ lợn có thể dẫn đến các tình trạng cấp tính cho người như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đau cơ, phù nề...
Các tác nhân trên hiện chưa có vaccine phòng ngừa. BS Thuyết khuyến cáo người dân ăn chín, uống chín, không ăn các thực phẩm tái, chưa nấu kỹ để tránh nhiễm vi khuẩn, giun có hại từ lợn.
Nhật Linh