Trả lời:
Đầu tiên, bạn cần phải hiểu di truyền là một bệnh lý liên quan đến gene trong gia đình, do bố mẹ truyền lại cho các con, khiến chúng có thể biểu hiện bệnh tương tự. Do đó, bệnh đột quỵ có thể do di truyền, song cũng là lối sống và bệnh nền mắc kèm theo.
Tuy nhiên, để kết luận đột quỵ có di truyền, cần sàng lọc gene và do bác sĩ kết luận, thay vì phỏng đoán. Đôi khi, các thành viên cùng sống trong một môi trường, có chung lối sống ăn mặn, ít vận động, hút thuốc lá, thức khuya, béo phì cũng là yếu tố tăng nguy cơ gây đột quỵ.
Nguyên nhân gây đột quỵ tùy thuộc vào từng dạng. Đối với đột quỵ thiếu máu não, hai nhóm nguyên nhân hàng đầu là xơ vữa mạch máu hoặc do huyết khối từ tim làm tắc nghẽn mạch máu não. Trường hợp đột quỵ xuất huyết não, nguyên nhân hàng đầu lại là tăng huyết áp và chấn thương sọ não làm vỡ mạch máu.
Ngoài ra, đột quỵ liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực... Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm các phình mạch đủ lớn gây ra vỡ. Do đó, rất khó để kết luận việc một yếu tố nào đó "có gây đột quỵ" hay không.
Do đó, nếu có gene di truyền, bạn vẫn nên giữ một lối sống lành mạnh để phòng ngừa đột quỵ, không nên nghĩ rằng đã mắc bệnh lý di truyền rồi thì không cần thay đổi lối sống nữa.
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa
Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175