Tòa thánh Vatican thông báo cựu giáo hoàng Benedict XVI đã qua đời tại Tu viện Mater Ecclesiae ngày 31/12, thọ 95 tuổi. Tang lễ dự kiến được tổ chức ở Vatican vào ngày 5/1/2023, do Giáo hoàng Francis chủ trì.
Cựu giáo hoàng Benedict XVI có tên thật là Joseph Aloisius Ratzinger, sinh vào ngày 16/4/1927, tại thị trấn nhỏ Marktl am Inn trong vùng Bavaria ở miền nam nước Đức.
Vào Thế chiến II, ông bị ép tham gia lực lượng bán quân sự Thanh niên Hilter vào năm 1941 dù gia đình có lập trường phản đối chủ nghĩa phát xít. Sau một thời gian, ông quyết định đi tu và đến năm 1951 được thụ phong linh mục. Ông giảng dạy tại một số trường đại học, trong đó có Bonn và Regensburg, sau đó đến Rome làm cố vấn cho Hội đồng Vatican II từ năm 1962 đến năm 1965.
Ông Ratzinger được chọn làm Tổng giám mục Tổng giáo phận Munich vào năm 1977, sau đó được tấn phong hồng y. Năm 1981, ông được chọn làm Tổng trưởng của Thánh bộ Giáo lý Đức tin, cơ quan thuộc Tòa thánh Vatican mà tiền thân là Tòa án thẩm giáo. Vị trí này trao cho ông trách nhiệm và quyền hạn tuyệt đối để điều tra những trường hợp vi phạm quy định đạo đức của chức sắc Công giáo.
Ngày Giáo hoàng John Paul II qua đời, truyền thông bắt đầu đồn đoán ông Ratzinger sẽ được bầu làm người kế nhiệm. Ngày 19/4/2005, Mật nghị Hồng y chọn nhà thần học 78 tuổi làm tân giáo hoàng. Giai đoạn 8 năm ông giữ vị trí giáo hoàng là lúc Vatican đứng trước nhiều thách thức to lớn.
Giáo hội trong thập niên đầu thế kỷ 21 bị đánh giá là mất dần sức ảnh hưởng lẫn số lượng tín đồ vì thiếu điều chỉnh để bắt kịp với những thay đổi của xã hội hiện đại. Ông Benedict được cho là không mang đến làn gió mới cho Vatican khi nổi tiếng là người bảo vệ các giá trị và đức tin truyền thống.
Ông nhận vị trí giáo hoàng vào thời điểm những bê bối về linh mục lạm dụng tình dục trong các nhà thờ, giáo phận Công giáo bị phanh phui trên khắp thế giới. Phần lớn nạn nhân là trẻ em. Vatican bị cuốn vào cơn bão chỉ trích với cáo buộc ém thông tin một cách có hệ thống các vụ bê bối, cho phép các giáo phận tự điều chuyển linh mục và dàn xếp bồi thường trong im lặng cho các nạn nhân.
Đứng ở tâm bão là Giáo hoàng Benedict do ông từng đứng đầu cơ quan điều tra nội bộ về đức tin của Tòa thánh Vatican. Giữa sức ép dư luận, ông Benedict đã công khai xin lỗi các tín đồ và nạn nhân về những vụ bê bối liên quan đến giáo hội trên khắp thế giới. Ông trở thành giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử trực tiếp nhìn nhận và bày tỏ "sự hối tiếc sâu sắc" về vấn nạn này tại các nhà thờ. Ông cũng gặp trực tiếp các nạn nhân.
Năm 2010, Giáo hoàng Benedict thừa nhận giáo hội "không tiến hành các biện pháp cần thiết nhanh chóng và cứng rắn" đối với vấn nạn lạm dụng tình dục, dẫn đến hậu quả làm hoen ố nghiêm trọng hình ảnh. Dù vậy, những chia sẻ của Giáo hoàng vẫn không đủ để làm nguôi ngoai dư luận. Nhiều nhà hoạt động tiếp tục chỉ trích ông Benedict chưa quyết tâm xử phạt những linh mục vi phạm và trả lại công bằng cho nạn nhân.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng về uy tín của giáo hội giữa sóng gió bê bối, Giáo hoàng Benedict vẫn để lại nhiều dấu ấn về bảo vệ các diễn giải truyền thống trong Công giáo về vấn đề phá thai hay an tử. Ông cũng nỗ lực kìm chế xu hướng thế tục ở châu Âu và bảo vệ vai trò của nhà thờ trong dẫn dắt đời sống tinh thần của người dân châu lục.
Dù vậy, lập trường của cựu giáo hoàng cũng gây nhiều tranh cãi khi thiếu cởi mở với các vấn đề hôn nhân đồng tính, sắc phong linh mục cho nữ giới hay hôn nhân trong giới linh mục. Những quan điểm của Tòa thánh Vatican vào thời điểm đó chịu một số chỉ trích là xa cách với xu hướng mới của xã hội phương Tây.
Năm 2006, ông khiến cộng đồng Hồi giáo tức giận với phát ngôn gây tranh cãi, ủng hộ cách nhìn nhận rằng Hồi giáo có bản chất bạo lực. Mâu thuẫn này đã dẫn đến làn sóng biểu tình bạo lực ở một số nước và các vụ tấn công nhắm vào tín đồ Công giáo. Dù vậy, Giáo hoàng Benedict cũng nỗ lực đóng góp cho hòa bình ở Trung Đông khi đến thăm Jerusalem vào năm 2009, ủng hộ giải pháp hai nhà nước Israel - Palestine cùng tồn tại để chấm dứt xung đột.
Ông ủng hộ nâng cao vai trò của tôn giáo trong thế giới hiện đại, tăng cường đối thoại giữa những đức tin khác nhau và phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản thiếu kiểm soát. Những lời kêu gọi của ông thể hiện sự đồng cảm với người lao động khắp thế giới giữa giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Giáo hoàng Benedict cũng từng khiến các nhà hoạt động chống đại dịch AIDS tức giận với phát ngôn tại châu Phi rằng bao cao su khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng. Tuy nhiên, ông sau đó trở thành giáo hoàng đầu tiên tán thành tín đồ sử dụng bao cao su trong một số trường hợp đặc biệt nhằm tránh lây nhiễm HIV.
Peter Seewald, người viết tiểu sử về cựu giáo hoàng Benedict, mô tả ông là "một người đàn ông hết mực bình dị, kẹt trong những vòng xoáy ở trên đỉnh cao nhất nhưng vẫn luôn giữ tính khiêm nhường và tấm lòng ấm áp".
Tuy nhiên, ông đã không thể kiểm soát được những mâu thuẫn trong nội bộ Vatican vào giai đoạn ông đứng đầu Tòa thánh. Năm 2012, thư ký của ông đã tiết lộ cho truyền thông nhiều mật thư, hành động được cho là phản bội lại niềm tin của Giáo hoàng và làm ông cảm thấy tổn thương nghiêm trọng. Nhiệm kỳ của ông lún sâu thêm trong rắc rối khi ngân hàng Vatican bị cáo buộc rửa tiền.
Tháng 2/2013, ông Benedict gây sốc với quyết định từ chức ở tuổi 85, với lý do sức khỏe và tinh thần không còn đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của Tòa thánh Vatican. Lần gần nhất một giáo hoàng từ chức là năm 1415, vào thời Trung cổ.
Ông chọn trở thành giáo hoàng danh dự và lui vào cuộc sống kín tiếng, dành thời gian cho nghiên cứu thần học, cầu nguyện và chơi đàn piano ở tu viện. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3/2021, ông bác bỏ tất cả hoài nghi từ giới tín đồ "cực đoan" rằng mình bị ép từ chức.
"Chỉ có một giáo hoàng", ông tuyên bố ủng hộ người kế nhiệm mình, Giáo hoàng Francis.
Thanh Danh (Theo AFP)