Bến xe mới đưa vào khai thác từ ngày 10/10/2020. Năm tháng đầu, để tạo thói quen cho khách và doanh nghiệp, xe ở 22 tuyến hoạt động với cự ly 1.100 km, từ Quảng Trị ra Bắc, được đón khách tại bến cũ (quận Bình Thạnh), rồi qua bến mới làm thủ tục xuất phát. Hôm 13/3, tất cả xe ở 22 chặng này phải đón khách ở bến mới. Tuy nhiên hơn một tuần chuyển qua hoạt động cố định, bến mới mỗi ngày đón vài chục khách. Tuần trước, hơn 360 khách đi từ bến xe này, trong đó cao nhất hôm thứ 7 (20/3) gần 90 khách.
Chiều 24/3, sảnh chờ ở bến xe mới rộng rãi, với 4 dãy ghế nhưng chỉ có một khách ngồi. Hệ thống thang cuốn không hoạt động do không có người đi. Màn hình treo trên các quầy vé sáng đèn, thông tin hành trình các chuyến đi, nhưng hầu như không khách đến hỏi. Ở khu vực bãi đậu, hơn 30 ôtô khách, buýt xếp hàng trong các ô kẻ vạch nhưng vắng lặng. Dù vắng khách nhưng bến xe vẫn phải duy trì nhiều bộ phận gồm nhân viên điều hành, người hướng dẫn thông tin, bảo vệ, lao công, giữ xe... Họ khá nhàn rỗi do cả ngày chỉ lác đác người ra vào.
Một trong nguyên nhân khiến lượng khách tại bến mới không đạt như mong đợi do nhiều khách cho rằng "địa điểm này xa trung tâm, đường sá chưa thuận tiện". Một số khách vẫn đến bến cũ, đặt vé xe chạy ngoài bến, hoặc chuyển qua mua vé tàu, máy bay do giá vé không cao hơn nhiều. "Từ quận 8 đến bến xe Miền Đông mới cách 25 km, nếu không kẹt xe cũng mất hơn một giờ di chuyển. Trong khi mỗi lần về quê tôi mang nhiều đồ đạc nên đặt xe ôm cũng bất tiện, còn xe buýt càng vất vả hơn do phải đi mấy chặng mới tới", chị Lê Thuận, ngụ đường Phạm Thế Hiển, nói và cho biết chị sẽ chọn xe bên ngoài bởi điểm đón gần, nhà xe cũng sẵn sàng trung chuyển tận nơi.
Tuy nhiên lý do chính khiến bến xe mới "ế ẩm" vì sự bùng phát của "xe dù, bến cóc" tại thành phố. Đối lập cảnh thưa người trong bến mới, cách đó khoảng một km trên quốc lộ 1 đoạn trước Khu du lịch Suối Tiên, hoạt động của "xe dù" tấp nập. Nhiều ôtô khách đang chạy nhanh, khi thấy người xách hành lý đứng chờ lập tức xi-nhan tấp vào mời chào, bất chấp dòng xe chạy phía sau. Đây là điểm nhiều người thường gọi điện đặt vé trước và đến chờ xe, hoặc khách vãng lai tới đón, khi lên xe mới trả tiền vé. Ở khu nội đô, nhiều đường khác như Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh); Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Chí Thanh (quận 5); Hồng Lạc (quận Tân Bình)... "xe dù" cũng nhộn nhịp.
Đặc biệt tại 2 địa chỉ số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) - đoạn đối diện bến xe Miền Đông cũ, tình trạng đón trả khách diễn ra thường xuyên như một bến xe thu nhỏ, dù nơi đây chỉ có chức năng giữ xe. Hai điểm này bị phản ánh nhiều năm nay bởi không chỉ ảnh hưởng hoạt động bến cũ mà tình trạng xe ra vào đón trả khách liên tục gây ùn tắc đường Đinh Bộ Lĩnh. "Bến cóc hoạt động rầm rộ còn kéo theo nhiều tệ nạn, mất an ninh trật tự xung quanh. Trong khi các xe ở đây bán vé giá không niêm yết, điều kiện an toàn cũng khó đảm bảo", anh Nguyễn Đông, nhà ở sát bên nói.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP HCM), cho biết hiện Sở mới yêu cầu chủ đầu tư xây dựng phương án khai thác cụ thể tại Bến xe Miền Đông mới. Đồng thời để bến mới hoạt động hiệu quả, sở phối hợp các quận huyện tăng cường xử lý "xe dù, bến cóc". Hôm 18/3, Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND quận Bình Thạnh chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại 2 bãi đậu xe số 391, 397 Đinh Bộ Lĩnh nhằm xử lý tình trạng đón trả khách sai quy định do vẫn diễn ra rầm rộ.
Trước đó nhiều biện pháp cũng được thực hiện như cấm các loại xe khách dừng đậu ở nhiều tuyến đường khu nội đô có tình hình giao thông phức tạp. Từ hôm 9/1, xe khách trên 25 chỗ cũng bị cấm chạy vào làn hỗn hợp trên quốc lộ 1, đoạn từ xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) đến vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) các khung giờ cao điểm. Việc này nhằm giảm ùn tắc và hạn chế xe bắt khách dọc đường.
Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Mỗi ngày bến có thể đáp ứng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến. Sau khi dời các tuyến qua bến xe mới giai đoạn một, bến cũ còn các tuyến hoạt động chặng ngắn như về khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên... Giai đoạn hai, sau khi bến mới xây dựng hoàn chỉnh, toàn bộ bến cũ sẽ di dời qua đây.
Gia Minh