Chủ nhật, 29/12/2024
Chủ nhật, 3/1/2021, 10:16 (GMT+7)

Hiện trạng 8 dự án giao thông ở TP Thủ Đức

TP HCMMetro Số 1, Vành đai 2, 3, cầu Thủ Thiêm 2, nút giao An Phú... là những dự án giao thông giúp TP Thủ Đức phát triển.

TP Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức, rộng khoảng 211 km2, dân số hơn một triệu người. Chính quyền TP HCM đang đẩy nhanh các dự án giúp TP Thủ Đức tăng trưởng nhanh, thay đổi diện mạo giao thông ở khu vực những năm tới.

Cầu Thủ Thiêm 2 là một trong các dự án quan trọng giúp kết nối thành phố Thủ Đức với quận 1, TP HCM, bên cạnh các tuyến đường hiện hữu như Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ... Cầu bắc qua sông Sài Gòn, dài hơn 1,4 km, khởi công năm 2015 với tổng vốn gần 3.100 tỷ đồng.

Hiện dự án đạt khoảng 70% khối lượng nhưng nhiều hạng mục chưa thể làm tiếp do mặt bằng phía quận 1 gần 13.000 m2 chưa được bàn giao. Theo dự kiến, đến cuối năm 2021 cầu Thủ Thiêm 2 thông xe.

Xa lộ Hà Nội là trục đường huyết mạch kết nối TP Thủ Đức với trung tâm TP HCM và Đồng Nai, Bình Dương. Năm 2010, dự án mở rộng triển khai, dài 15,7 km từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Tân Vạn thuộc thành phố Dĩ An (Bình Dương), hiện đạt khoảng 80%. Tổng mức đầu tư theo quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án năm 2016 là 4.900 tỷ đồng.

Tuyến đường sau khi mở rộng tăng năng lực chuyên chở hàng hóa qua các khu cảng và kết nối trực tiếp với Metro Số 1, Bến xe Miền Đông mới cùng các tuyến vành đai.

Chạy song song với Xa lộ Hà Nội là tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tổng vốn đầu tư 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, trong đó hơn 13 km chạy trên địa bàn TP Thủ Đức. Toàn tuyến có 14 nhà ga (3 ga ngầm, 11 ga trên cao) hiện đạt hơn 78% khối lượng, dự kiến vận hành cuối năm 2021.

Tháng 10, đoàn tàu Metro được nhập từ Nhật Bản về, được đặt tại depot Long Bình. Trong thời gian tới, tàu chuẩn bị nghiệm thu rồi chuyển qua thử trên tuyến chính. Việc nhập 48 toa tàu tiếp theo sẽ phụ thuộc vào thử nghiệm đoàn tàu đầu tiên. Dự kiến đến giữa năm sau, phần lớn toa tàu được nhập về.

Đây là tuyến metro đầu tiên của TP HCM, công trình trọng điểm quốc gia, khi đưa vào khai thác sẽ chở lượng lớn hành khách từ TP Thủ Đức, Bình Dương, Đồng Nai ra vào trung tâm thành phố.

Dự án nút giao An Phú có 3 tầng với dự án hầm chui đôi, được đề xuất đầu tư giai đoạn một với tổng vốn khoảng 1.000 tỷ đồng. Khu vực này là giao lộ của đường Mai Chí Thọ với đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường Lương Định Của. Đây đều là những con đường huyết mạch dẫn vào trung tâm thành phố.

Hiện, nút giao An Phú thường xuyên kẹt xe nhất là những dịp cuối tuần, lễ Tết do lượng xe đi lại giữa các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cao.

Công trình khi xây dựng cùng với hoàn thành mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, kỳ vọng giải quyết ùn tắc và tăng kết nối TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ. Hiện dự án chưa được triển khai.

Cách An Phú khoảng 3 km, nút giao Mỹ Thủy khởi công năm 2016, tổng đầu tư giai đoạn một gần 840 tỷ đồng và giai đoạn hai hơn 1.400 tỷ đồng.

Dự án khởi công tháng 6/2016, được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một có mức đầu tư 838 tỷ đồng, gồm các hạng mục xây cầu Kỳ Hà 3, cầu vượt và hầm chui trên đường Vành đai 2 đã hoàn thành.

Đây là điểm giao của hai trục đường Võ Chí Công (tức Vành đai 2) - Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái. Công trình hoàn thành giúp giảm kẹt xe, tai nạn, tăng khả năng chuyên chở ở khu vực cảng Cát Lái - cảng đứng đầu cả nước về sản lượng vận chuyển hàng hóa.

Đường vành đai 2 là tuyến đường bộ đô thị cấp một khép kín theo vòng tròn ở TP HCM. Toàn tuyến dài 70 km, chạy qua các quận 2, 7, 8, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ hoàn tất năm 2022 - 2023.

Hiện hơn 54 km đường Vành đai 2 đã hoàn thành. Đoạn đi qua TP Thủ Đức mang tên đường Võ Chí Công xong năm 2013, kết nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Hiện Vành đai 2 còn 14 km chưa hoàn thành với hơn 8 km ở TP Thủ Đức và 5,3 km ở khu phía Tây (quận 8, huyện Bình Chánh). Phần còn lại để khép kín tuyến đừng được chia thành bốn đoạn nhỏ tương ứng với 4 dự án có mức đầu tư gần 16.000 tỷ đồng.

Trong đó, một dự án đang triển khai là đoạn 3 từ nút giao thông Gò Dưa đến Phạm Văn Đồng dài 2,75 km với hình thức đầu tư BT. Dự án này khởi công cuối năm 2017, tổng đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng nhưng đang ngừng thi công do chờ điều chỉnh dự án.

Hai đoạn còn lại dài 6 km gồm: từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội và từ nút giao Bình Thái qua đường Phạm Văn Đồng, tổng vốn 14.600 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng vốn ngân sách.

Đường Vành đai 3 dài hơn 90 km đi qua Long An, TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai, chia làm 4 đoạn. Trong đó đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch qua TP Thủ Đức dài gần 18 km, tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng dự kiến khởi công năm sau. Ngoài đoạn này còn có đoạn dài hơn 15 km đi qua TP Thủ Đức với tổng vốn 6.700 tỷ đồng sẽ dùng vốn vay Hàn Quốc và vốn đối ứng Chính phủ.

Hiện, mới chỉ có 16 km Vành đai 3 qua tỉnh Bình Dương đã đưa vào khai thác. Các đoạn này khi khép kín giúp phát triển kinh tế, xã hội không chỉ cho TP HCM còn cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bến xe Miền Đông mới khai thác tháng 10 với 22 tuyến cố định từ TP HCM đến Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc. Dự án khởi công tháng 4/2017 trên diện tích 16 ha, vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm.

Quy mô TP Thủ Đức. Đồ họa: Tạ Lư - Đoàn Loan.

Hôm 31/12, TP HCM đã công bố nghị quyết thành lập TP Thủ Đức, bộ máy hành chính sẽ hoạt động vào ngày 7/2. TP Thủ Đức kỳ vọng sẽ góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.

Quỳnh Trần