"Tôi và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đưa ra quyết định chuyển vũ khí hạt nhân chiến lược tới Belarus nếu cần", Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 31/3 cho biết.
Ông Lukashenko tuyên bố "không đe dọa hay tống tiền ai", thay vào đó muốn bảo vệ nhà nước và đảm bảo hòa bình cho người dân Belarus. "Thế lực nước ngoài đang muốn giáng một đòn vào chúng tôi từ trong lẫn ngoài", ông nói.
Tổng thống Lukashenko khẳng định Belarus có đủ vũ khí thông thường để đối phó mọi mối đe dọa, song cảnh báo "sẽ sử dụng mọi thứ chúng tôi có nếu nhận thấy đằng sau những mối đe dọa đó là nguy cơ hủy diệt đất nước chúng tôi".

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phát biểu ngày 31/3. Ảnh: RIA Novosti.
"Một tuần trước, tôi ra lệnh cho quân đội khôi phục ngay lập tức các địa điểm từng triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Topol", ông Lukashenko nói, đồng thời cho biết đã ra lệnh bảo quản phần lớn cơ sở này sau khi Nga rút vũ khí hạt nhân khỏi Belarus vào những năm 1990.
Ông Lukashenko đưa ra tuyên bố sau khi Tổng thống Nga thông báo sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Tổng thống Putin khẳng định động thái này không có gì bất thường và Mỹ làm điều này trong nhiều thập kỷ, cũng như cho biết Nga không chuyển quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus.
Belarus giáp với các thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia. Belarus có quan hệ chặt chẽ với Nga và từng cho nước này sử dụng lãnh thổ để tiến công Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko nhiều lần nhấn mạnh quân đội Belarus không tham gia chiến sự Nga - Ukraine.
Giới chuyên gia định nghĩa vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, được sử dụng để đạt được lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì gây tàn phá trên diện rộng như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay bom hạt nhân. Loại vũ khí này phát triển từ thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh nhằm răn đe đối phương, song chưa nước nào từng sử dụng chúng trong thực tế.
Vũ khí hạt nhân chiến lược được thiết kế để tấn công các mục tiêu nằm xa chiến trường, trong đó có căn cứ quân sự, trung tâm chỉ huy, cơ sở công nghiệp quốc phòng, hạ tầng giao thông, vận tải và năng lượng, cũng như khu vực đông dân cư hoặc đô thị có các mục tiêu nói trên.
RT-2PM Topol là mẫu ICBM được phát triển từ thời Liên Xô với tầm bắn 11.000 km. Sau khi Liên Xô tan rã, Belarus từng có hai trung đoàn Topol với 18 đầu đạn hạt nhân. Moskva và Minsk tháng 9/1993 ký thỏa thuận chuyển 81 tổ hợp Topol cùng đầu đạn hạt nhân về Nga.

Vị trí của Belarus. Đồ họa: DW.
Nguyễn Tiến (Theo TASS, AFP)