"Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố họ đã thống nhất với Mỹ để triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan. Điều đó nghĩa là Belarus đang thực sự đối mặt nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật", Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 6/10.
Ông Lukashenko nhấn mạnh Belarus không sở hữu vũ khí hạt nhân và sẽ phải áp dụng "những biện pháp phù hợp" để đối phó, thêm rằng ông sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Phát biểu được đưa ra sau khi Tổng thống Duda hôm 5/10 cho biết Ba Lan đang đàm phán với Mỹ về việc tham gia chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân NATO. Ba Lan gần đây đã tăng cường chi tiêu quốc phòng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng giới chức nước này chưa từng đề cập tới theo đuổi vũ khí hạt nhân như một biện pháp răn đe.
Bình luận về đề nghị của ông Duda, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho hay Mỹ "không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân tới lãnh thổ các nước thành viên NATO gia nhập liên minh sau năm 1997".
Ba Lan chính thức trở thành thành viên NATO năm 1999. Patel khẳng định không có cuộc đàm phán nào đang diễn ra giữa hai nước về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan, nhưng nhấn mạnh Warsaw là đồng minh quan trọng của Washington trong NATO.
Chia sẻ hạt nhân là một phần trong chính sách răn đe của NATO, cho phép bố trí vũ khí hạt nhân tại các nước thành viên không sở hữu năng lực này. Trong ba cường quốc hạt nhân của NATO là Mỹ, Anh và Pháp, chỉ có Washington thực hiện chia sẻ hạt nhân. Quân đội Mỹ đang triển khai vũ khí hạt nhân ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Belarus hồi cuối tháng 8 đề cập những mối đe dọa tiềm tàng từ quốc gia láng giềng Ba Lan, tuyên bố các máy bay Sukhoi của Belarus đã được chỉnh sửa để mang vũ khí hạt nhân và sẵn sàng đáp trả nếu phương Tây gây hấn.
Ông cũng chỉ trích lãnh đạo Ba Lan, nhưng cho rằng quân đội nước này hiểu rõ phản ứng cụ thể của Minsk nếu xảy ra leo thang xung đột.
"Trầm trọng hóa quan hệ với Belarus đồng nghĩa với trầm trọng hóa quan hệ với Nhà nước Liên minh đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu họ bắt đầu gây chuyện, phản ứng của Belarus sẽ diễn ra trong chớp nhoáng", Tổng thống Lukashenko nói, đề cập tới mô hình Nhà nước Liên minh được Nga và Belarus thực hiện từ năm 2020 nhằm liên kết nền kinh tế và quân đội hai nước.
Belarus là đồng minh thân cận của Nga và cho phép nước láng giềng sử dụng lãnh thổ để tiến công Ukraine. Belarus cũng bị nghi cho phép Nga phóng tên lửa nhằm vào Ukraine từ không phận.
Vũ Anh - Huyền Lê (Theo RT, Reuters)