Lúc trước dịch, hầu như cuối tuần nào tôi cũng ra rạp để xem phim. Tôi không kén chọn phim Việt hay phim ngoại.
Nhưng gần đây có hai thông tin khiến tôi chú ý:
Thứ nhất, đó là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm phim "Đất rừng phương Nam".
Thứ hai, "Người đẹp Tây Đô", một phim truyền hình kinh điển thập niên 1990 - có phiên bản điện ảnh.
Về hai tựa đề này, có lẽ hầu hết chúng ta đều biết đến và đã xem qua, thậm chí rất nhiều lần hai bản phim truyền hình vào thập niên 1990 đầu 2000.
>> Lời thoại phim Việt: 'Giang hồ nói chuyện như nhà văn'
Những ấn tượng về chú bé An, út Trong, Cò, Võ Tòng... của Đất Phương Nam và Bạch Cúc (Việt Trinh đóng) trong Người đẹp Tây Đô đã gây ấn tượng mạnh, nằm lòng trong nhiều thế hệ khán giả như những tác phẩm kinh điển của phim truyện Việt.
Nay, những bộ phim này được chuyển thể lên màn ảnh rộng, nhiều người vui vì gặp lại tác phẩm vang bóng một thời ở một hình hài khác.
Nhưng riêng tôi, thật lo lắng cho tương lai của điện ảnh Việt Nam. Mấy năm trở lại đây, hầu như các nhà làm phim đều remake (làm lại) từ kịch bản nước ngoài như Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30, Vô gian đạo, Tiệc trăng máu...
Bây giờ lại "chuyển thể" những bộ phim truyền hình nổi tiếng, có tuổi đời vài chục năm trước lên màn ảnh rộng, liệu đây có là việc đi theo lối mòn, vay mượn danh tiếng của những bộ phim thời trước không?
Nếu cứ đi mua kịch bản nước ngoài và làm lại phim cũ mà không chịu khó đầu tư cho khâu biên kịch, sáng tạo ra những cốt truyện, kịch bản mới thì chừng nào người Việt làm ra những bộ phim đình đám như điện ảnh Hàn Quốc đã và đang làm?
Lâm Quang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.