Chị Nguyệt, ở dãy trọ đối diện nhà tôi làm nhân viên cho một cửa hàng bách hóa. Tháng rồi, tòa chung cư kế bên nơi chị làm việc có vài ca F1, phải cách ly vài ngày đợi kết quả xét nghiệm, nên cửa hàng buộc phải đóng cửa theo.
Dự tính tháng rồi ngày chấm công giảm so với bình thường nên lương giảm theo. Để tính xa, chị dự định sau khi nhận lương sẽ mua vài ký gạo, một thùng mì, một thùng phở ăn liền, một keo dưa chua và một vỉ trứng dự trữ ở nhà. Đây sẽ là đồ ăn thường trực của hai vợ chồng mùa thu nhập giảm này. Còn đứa con năm tuổi, chị sẽ chi thêm tiền mua thịt cho nó. Chồng chị làm thợ cắt kính cửa, mùa này coi như thất nghiệp.
Một trường hợp khác, ngay như chính gia đình tôi, hai vợ chồng có việc làm ổn định, thu nhập nhỉnh hơn hai vợ chồng chị Nguyệt. Nhưng tối qua vợ tôi đau đầu bóp trán và "chỉ thị" từ tháng mới, gia đình cắt giảm tối đa chi tiêu, bước vào thời kỳ thắt lưng buộc bụng.
Sở dĩ vợ tôi ra lệnh như thế vì cô ấy đứng trước chuỗi tin giá cả tăng: Giá gas bình 12 kg tăng 30 nghìn đồng, vượt mốc 400 nghìn đồng một bình. Vài hôm trước thì xăng tăng giá. Rồi giá rau xanh, thực phẩm tăng đột biến.
Tôi đoán một phần do tình hình dịch bệnh khiến nguồn cung bị hạn chế vì vận chuyển khó khăn. Một phần do các chợ tự phát, chợ truyền thống, xe hàng rong bị cấm hoạt động. Bình thường chúng tuy ảnh hưởng mỹ quan đô thị, nhưng xét về một khía cạnh nào đó, chính nhờ những khu chợ này mà hàng hóa từ nhiều nguồn được phân phối đa dạng hơn, khiến giá cả ít đột biến hơn.
Nhìn về thực tế, ở TP HCM tình hình dịch đã qua hơn một tháng, giãn cách, các cơ sở kinh doanh ngưng hoạt động... không ít người thu nhập đã bị giảm và bây giờ càng ngấm đòn hơn khi giá cả tiêu dùng lại tăng.
Vợ tôi than thở, hầu như giá rau nào cũng tăng, hai ba trái cà chua nhỏ xíu đã có giá 10-15 nghìn. Vậy là phải ăn tiêu dè sẻn lại, bữa cơm ít thịt, ít rau hơn. Gia đình tôi vẫn ổn. Nhưng vì sợ thu nhập sẽ giảm, trong khi tình hình chưa biết khi nào mới bình thường nên vợ tôi lo xa và nhăn mặt, bóp trán mỗi lần đi mua thực phẩm. Chưa kể, hơn một tháng qua gia đình ở nhà nhiều, đến kỳ hóa đơn điện không biết cô ấy sẽ ra sao.
Tôi nghĩ, chưa bao giờ các bà nội trợ ở thành phố lại được dịp đau đầu, nhăn mặt như lúc này. Phần vì ở nhà giãn cách lâu, phần vì lo thu nhập giảm, phần vì thấy giá cả mọi thứ tăng mà chóng mặt.
Tiết kiệm và tiết kiệm là hai từ hiện lên trong đầu vợ tôi - một bà nội trợ chưa từng trả giá những lúc đi chợ. Đây có lẽ là giải pháp ổn áp nhất lúc này, khi thu nhập giảm và có nguy cơ giảm tiếp, thì phải tiết kiệm để bù vào. Nhưng với những gia đình có tài chính "dễ vỡ" hơn, làm tháng nào xào tháng nấy như chị hàng xóm, thì họ phải làm thế nào nếu tình hình này kéo dài?
Hải Đô
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.