Tòa án Tối cao Mỹ ra tuyên bố cho biết Ginsburg, nhà đấu tranh cho quyền của phụ nữ, qua đời tại nhà riêng ở thủ đô Washington ngày 18/9 do biến chứng của ung thư tuyến tụy di căn.
"Quốc gia của chúng ta đã mất đi một luật gia có tầm vóc lịch sử. Chúng tôi đã mất đi một đồng nghiệp đáng tin cậy", Chánh án John Roberts nói trong tuyên bố từ thủ đô Washington ngày 18/9.
Sự ra đi của bà có thể làm thay đổi đáng kể cán cân tư tưởng của Tòa án Tối cao Mỹ, vốn có đa số thẩm phán theo tư tưởng bảo thủ với tỷ lệ 5-4. Tổng thống Trump có cơ hội mở rộng thế đa số này bằng việc bổ nhiệm thêm một thẩm phán bảo thủ, khi đang có sự chia rẽ sâu sắc ở Mỹ vào thời điểm bầu cử tổng thống đang cận kề.
Trump đã bổ nhiệm hai người bảo thủ làm thẩm phán Tòa án Tối cao, Neil Gorsuch vào năm 2017 và Brett Kavanaugh vào năm 2018. Tổng thống là người đề cử thẩm phán mới và quyết định của ông cần được Thượng viện thông qua. Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện.
Thẩm phán Tòa án Tối cao là chức vụ được bổ nhiệm trọn đời, đóng vai trò to lớn trong việc định hình các chính sách của Mỹ về các vấn đề nổi cộm như phá thai, quyền của giới LGBT, quyền sử dụng súng, tự do tôn giáo, án tử hình và quyền lực tổng thống. Tòa án vào năm 1973 hợp pháp hóa phá thai trên toàn quốc - quyết định mà một số người bảo thủ muốn đảo ngược. Năm 2015, tòa cho phép hôn nhân đồng giới trên toàn nước Mỹ.
Ginsburg xuất thân từ tầng lớp lao động ở quận Brooklyn, thành phố New York, được Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Bill Clinton bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao năm 1993. Bà đã đưa ra những phiếu bầu quan trọng trong các phán quyết mang tính bước ngoặt đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ, mở rộng quyền của người đồng tính và bảo vệ quyền phá thai.
Ginsburg là thành viên lớn tuổi nhất của tòa án và có thời gian giữ chức lâu thứ hai trong số các thẩm phán hiện tại. Bà là người phụ nữ thứ hai trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, sau Sandra Day O'Connor, người được bổ nhiệm 12 năm trước đó.
Phương Vũ (Theo Reuters)