Thầy dạy môn Triết học của tôi là một người khá nhàm chán, nhưng thi thoảng cũng có những phát ngôn xuất thần, kiểu như "đừng yêu cầu nếu không có điều kiện".
Điều kiện ở đây chính là nền tảng để yêu cầu có thể thực hiện. Bạn có thể yêu cầu một người bình thường sống tử tế nhưng không thể làm điều đó với người tâm trí không đầy đủ. Chuyện đinh ốc cũng vậy. Yêu cầu tiến sĩ phải làm ra con đinh ốc là "hài hước nhất" mà tôi được nghe kể.
Tiến sĩ, khi ở ngoài chuyên môn, thì cũng chỉ là người bình thường. Họ không đa năng như người khác nghĩ. Thậm chí là giáo sư thì cũng có chuyên môn của mình chứ không biết tuốt.
Tôi thỉnh thoảng tham gia mạng xã hội, vẫn thấy có người tự giới thiệu là tiến sĩ gì đó, cho rằng đó là minh chứng cho tính đúng đắn cho lập luận của họ. Có thể đấy là một tiến sĩ thật, thậm chí là một phó giáo sư hay giáo sư. Nhưng tôi nghĩ rằng, một người là tiến sĩ trở lên tức là từng triển khai thành công và độc lập một đề tài nghiên cứu "chưa từng có". Vậy thì họ sẽ không có tư duy "ngộ nghĩnh" rằng cứ là giáo sư, tiến sĩ thì nói gì cũng đúng. Lập luận của anh đã sai thì cho dù anh là mang học vị giáo sư thì vẫn cứ sai.
>> 'Sáng chế' của nông dân - nỗi oan cho giáo sư, tiến sĩ Việt
Chuyên môn là một khía cạnh khi làm một sản phẩm. Nước ta có nhiều tiến sĩ ngành vật liệu và xây dựng nên yêu cầu về "đinh ốc huyền thoại" nhìn qua thì cũng hợp lý. Nhưng ngoài vấn đề chuyên môn thì còn tận hai điều kiện nữa để yêu cầu này có thể thực hiện: Thời gian và tiền.
Thời gian thì ai cũng có, tạm chưa bàn ở đây. Chi phí là vấn đề quan trọng. Ai bỏ tiền để một tiến sĩ vật liệu làm cái "đinh ốc huyền thoại"? Trong tầm hiểu biết của tôi thì chưa có ai đề ra yêu cầu đinh ốc lại bỏ tiền ra để một anh chị tiến sĩ nào thực hiện.
Nhiều người tài là một chuyện, có thực mới vực được đạo, không có đồ ăn thì thánh nhân cũng chỉ là kẻ đói khát. Nhiều tiến sĩ, giáo sư thường hưởng đồng lương giảng viên bèo bọt. Một số người có thêm thu nhập khi hợp tác với các doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung, tiến sĩ cũng ít có hội làm giàu để bỏ tiền ra tự nghiên cứu.
"Ai làm ra đinh ốc" đến giờ vẫn chỉ là một câu chuyện hài hước mà thôi. Với trí tưởng tượng của tôi thì nó chẳng khác chuyện bà hàng xóm yêu cầu một cô gái không chồng phải có con. Tất nhiên, điều này hoàn toàn có thể xảy ra nhưng bà hàng xóm không có quyền quyết định hay ép buộc.
Tất nhiên, có nhiều người nghi ngờ chất lượng tiến sĩ. Nhưng đó là vấn đề khác chứ không liên quan gì đến cây đinh ốc. "Đinh ốc và tiến sĩ" từ sinh ra đến giờ vốn dĩ chỉ là một chủ đề hài hước, bất kể ở góc độ nào.
Tuân Hầm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.