Vài tiếng sau những shipper miền quê liên tục chở 3,4 thùng bia sắp sẵn trước nhà cô hàng xóm này để chuẩn bị phục vụ trong mấy ngày Tết tới.
Cô con gái chở cô đi chợ về cũng lỉnh kỉnh đồ đạc. Hàng điện máy chở đến nhà cô một dàn loa 4 chiếc... Bố tôi bảo: "Vài ngày nữa lại nếm mùi ăn nhậu và karaoke ầm ĩ nhức hết cả óc".
Con gái cô hàng xóm này là bạn học chung cấp ba của tôi. Hiện cô ấy đang làm công nhân tại một khu công nghiệp cách nhà 60km. Chỉ mới vài tuần trước, cô ấy còn nhắn tin tâm sự năm qua hai vợ chồng làm việc kiếm tiền chẳng có bao nhiêu, vừa trả tiền phòng trọ, vừa chăm con ốm...thế mà cuối năm bố mẹ ở nhà cũng bắt nộp 10 triệu để mua sắm Tết. Nhà có ba anh chị em, vị chi là 30 triệu đồng.
>> Tết thảnh thơi nhờ nồi thịt kho hột vịt
Với nhiều người, 30 triệu đồng là không nhiều. Nhưng ở quê tôi, ăn Tết 30 triệu đồng được coi là sang. Nhớ lại nụ cười tươi rói lúc chuẩn bị đi sắm Tết của cô hàng xóm và những lời than vãn của cô bạn về chuyện tiền nong cuối năm, tôi không biết là họ đang ăn Tết hay Tết đang "ăn" ngược lại họ?
Tôi lại nhớ tới chuyện đồng nghiệp tôi vài năm gần đây cứ sau Tết chừng vài tuần đến một tháng là tích cực lên các hội nhóm, trang web thanh lý để săn hàng. Những đồng hồ thông minh, những điện thoại hàng chục triệu đồng được rao bán vì đã thoả mãn nhu cầu khoe Tết, chơi Tết cho chủ...
Những năm gần đây, người ta cứ than vãn chuyện sợ Tết, trốn Tết... tôi thấy thật kỳ lạ. Tết, bản thân nó chỉ là ngày lễ, kỳ nghỉ. Nếu không vui vẻ, tận hưởng thì chớ sao lại kêu ca? Tết có dí ai, có hù doạ ai mà phải sợ, phải trốn?
Thì ra, vấn đề nằm ở những người để Tết "ăn" mình. Họ cứ tự tạo áp lực cho con cái, bản thân về tài chính, tiền bạc, của nã để mong lên mặt với xóm giềng và họ hàng để rồi tự sợ hãi cái bóng mà mình tạo ra.
Trung Lê
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.