"Xét về mặt kỹ thuật, động thái của Mỹ giống như dùng dao mổ trâu để giết gà. Nó không chỉ là phản ứng thái quá, mà còn thiếu thực tiễn", Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 5/2 dẫn lời chuyên gia quân sự giấu tên ở nước này bình luận về vụ Mỹ bắn rơi "khí cầu do thám".
Nhận định được đưa ra sau khi không quân Mỹ điều tiêm kích tàng hình F-22 phóng tên lửa đối không AIM-9X Sidewinder có giá gần 400.000 USD để bắn hạ khí cầu Trung Quốc trên vùng biển ngoài khơi bang Nam Carolina.
"Phương pháp bắn hạ bằng tên lửa của Mỹ quá tốn kém so với một quả khí cầu bay theo chiều gió. Nếu thêm nhiều khí cầu, không nhất thiết đến từ Trung Quốc, di chuyển qua vùng trời Mỹ, quân đội của họ có thể cạn kiệt nguồn lực đánh chặn", chuyên gia giấu tên nói thêm.
Báo Trung Quốc cho rằng vụ bắn hạ là "màn phô diễn chính trị" vì khí cầu chỉ bị bắn rơi sau khi đã bay qua nhiều bang của Mỹ và đang hướng ra biển, đồng thời cảnh báo sự việc có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.
"Nếu Mỹ không phân biệt giữa phương tiện dân sự và quân sự, tại sao Trung Quốc phải làm như vậy. Máy bay do thám của Mỹ thường xuyên hoạt động tại các vùng biển giáp Trung Quốc, đôi khi còn giả dạng là phi cơ dân sự. Liệu Bắc Kinh có nên áp dụng các biện pháp đáp trả tương xứng? Washington cần xem xét hậu quả một cách cẩn trọng", Lu Xiang, chuyên gia về Mỹ tại Viện Khoa học Xã Hội Trung Quốc, nêu quan điểm.
Khí cầu được phát hiện đi vào không phận Mỹ ngày 28/1 rồi di chuyển sang vùng trời Canada ngày 30/1. Nó trở lại không phận Mỹ ngày 31/1, nhưng đến ngày 2/2 các quan chức nước này mới công bố thông tin về khí cầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng khí cầu được Trung Quốc sử dụng "để tìm cách do thám các địa điểm chiến lược". Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden đánh giá thiết bị này có "giá trị hạn chế" trong thu thập thông tin tình báo, không đem lại dữ liệu nào khác biệt với những hình ảnh từ vệ tinh do thám trên quỹ đạo.
Trung Quốc sau đó "lấy làm tiếc" vì khí cầu "bay lạc" vào không phận Mỹ, nhưng cho rằng đây là thiết bị dân sự phục vụ nghiên cứu khí tượng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ không hài lòng và phản đối mạnh mẽ động thái sử dụng vũ lực tấn công khí cầu của nước này. Họ cho biết đã yêu cầu Mỹ xử lý vấn đề một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và kiềm chế nhưng Washington "phản ứng thái quá và vi phạm thông lệ quốc tế".
"Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp có liên quan", cơ quan này cho biết và để ngỏ khả năng "đưa ra thêm các phản ứng cần thiết", nhưng không nêu chi tiết.
Vũ Anh (Theo Global Times)