Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ độ 2, đã từng mổ thoát vị bẹn trái.
Bác sĩ Phạm Việt Hà, Giám đốc chuyên môn hệ Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng, ngày 8/12 phát hiện một khối của người bệnh lan xuống bìu, có dịch bên trong, cạnh tinh hoàn. Hình ảnh siêu âm và chụp cắt lớp vi tính cho thấy thoát vị bẹn phải là một phần ruột non với một nửa bàng quang nằm trong bìu.
Bác sĩ nhận định bàng quang lạc xuống bìu gây ra nhiều biến chứng như bí tiểu cấp, nhiễm trùng tiết niệu, túi thừa to, sỏi... Cụ ông thể trạng già yếu, nhiều bệnh lý nền kèm theo, các bác sĩ phải hội chẩn kỹ trước khi phẫu thuật cấp cứu.
Sau mổ, sức khỏe cụ ông ổn định.
Thoát vị bẹn là tình trạng một phần cơ quan trong ổ bụng như ruột, mạc nối chui vào lỗ bẹn tạo thành túi thoát vị. Nội dung bao thoát vị thường là mạc nối, ruột non, đại tràng. Bệnh thường gặp ở nam giới. Có nhiều yếu tố nguy cơ khiến một người dễ bị thoát vị bẹn, nguyên nhân chính là có một điểm yếu trong thành bụng, áp lực lên điểm yếu khiến thoát vị bẹn xảy ra.
Các triệu chứng của thoát vị bẹn không rõ ràng. Một trong những triệu chứng đầu tiên có thể là cảm giác nặng nề hoặc áp lực lên phần chậu. Thoát vị bẹn ở người lớn không nguy hiểm, nhưng nếu phát hiện và điều trị muộn có thể gây các biến chứng đe dọa đến tính mạng. Biến chứng phổ biến nhất là thoát vị nghẹt gây hoại tử ruột, mạc treo ruột.
Bác sĩ Hà nhận định ca bệnh trên rất hiếm gặp, chỉ chiếm 1-3% trường hợp thoát vị vùng bẹn, thế giới mới ghi nhận hơn 100 ca. Thoát vị chủ yếu là bàng quang, bàng quang sa ra ngoài sang bên phải và sa xuống bìu.