Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Tấn Tài, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp, cho biết thoát vị bẹn là tình trạng các tạng trong ổ bụng như mạc nối (mỡ chài), ruột... chui xuống bìu hoặc ra thành bụng vùng bẹn (nơi có ống dẫn tinh chạy qua). Bệnh gặp ở nam giới đủ mọi lứa tuổi: Trẻ em do bẩm sinh, người trưởng thành lao động nặng, người già có thành bụng yếu.
Phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn bằng phương pháp nội soi. Ảnh: TT. |
Bệnh viện Đa Khoa Tâm Trí Đồng Tháp vừa tiếp nhận và điều trị cho một cụ ông 75 tuổi khám tổng quát tình cờ phát hiện bị bệnh thoát vị bẹn bên trái. Tại chỗ thoát vị có một túi phình to dần khi rặn, xẹp xuống lúc nằm. Ông cụ cho biết các triệu chứng đã xuất hiện từ 10 năm trước, vùng bẹn tự xẹp xuống khi nằm hoặc lấy tay đẩy, ông không nghĩ là bệnh. Các bác sĩ đã điều trị thoát vị bẹn cho bệnh nhân bằng phẫu thuật nội soi. Sau 2 ngày ông cụ đã hồi phục sức khỏe và xuất viện.
Bác sĩ Tài cảnh báo các trường hợp bị thoát vị bẹn nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây các biến chứng cho bệnh nhân như hoại tử ruột, mạc treo ruột, hoại tử các tạng, hoại tử ruột gây viêm phúc mạc toàn thể dẫn đến tử vong. Đây là một trong các yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn, nghẹt ống dẫn tinh gây vô sinh.
Thoát vị bẹn khiến bệnh nhân đau đớn, khó chịu với khối u phập phồng ở vùng bẹn. Khối phồng xảy ra ở bên phải nhiều hơn bên trái, thường không đau, thấy rõ hơn khi đứng, to lên khi có sự tăng áp lực trong ổ bụng như lúc rặn, ho, hắt hơi, khóc...
Bệnh thoát vị bẹn có 2 nguyên nhân chính bao gồm bẩm sinh (tồn tại ống phúc tinh mạc ở trẻ nhỏ) và mắc phải (có điểm yếu của cân cơ thành bụng, thường gặp ở người trưởng thành). Bệnh xảy ra khi các tạng trong cơ thể "thoát" ra khỏi vị trí bình thường. Nam giới tuổi càng cao càng dễ bị thoát vị bẹn, nhất là những người có áp lực ổ bụng cao, thành bụng yếu, bí tiểu do bệnh phì đại tuyến tiền liệt (u xơ tiền liệt tuyến), táo bón thường xuyên, ho mạn tính, béo phì... Theo thống kê, khoảng trên 5% dân số bị thoát vị thành bụng nói chung, 75% số này là thoát vị bẹn. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở nữ nhưng hiếm hơn, chiếm 10% số ca, thường chỉ gây khó chịu, ít dẫn đến biến chứng nặng.
Bác sĩ Tài cho biết phương pháp điều trị tùy thuộc nguyên nhân bệnh. Thoát vị bẹn có thể hiểu là ổ bụng có lỗ thủng ở vùng bẹn, tại vị trí này các tạng trong bụng như ruột, mạc nối (mỡ chài) chui ra ngoài. Do vậy cần mổ để bít lỗ thủng lại, có thể khâu bít không cần lưới hoặc khâu bít có lưới. Khâu lưới có thể để lưới phía ngoài rồi vá như vá áo hay có thể để lưới phía trong như trám lỗ thủng của một chiếc thùng.
Kỹ thuật nội soi trong phẫu thuật thoát vị bẹn giúp quá trình điều trị ít đau, người bệnh hồi phục nhanh sau phẫu thuật, nguy cơ nhiễm trùng thấp, giảm thời gian phẫu thuật và nằm viện, tiết kiệm chi phí, tỷ lệ tái phát rất thấp, sẹo nhỏ nên đảm bảo tính thẩm mỹ.