Bé có khối sa bìu phải từ nhỏ nhưng gần đây mới cảm thấy đau tức bẹn bìu phải nhiều kèm theo bìu sa to. Gia đình đưa bé đến bệnh viện khám mới phát hiện bé bị thoát vị bẹn. Các bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đã phẫu thuật thành công cho bé.
Thoát vị bẹn là tình trạng phình lên một cách bất thường ở vùng bẹn bìu (trẻ trai) hoặc vùng mu môi lớn (trẻ gái). Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi trẻ ho, khóc, rặn khi đi đại tiện hay sau những vận động mạnh như chạy nhảy, tập thể dục... Một số trẻ cảm thấy đau tức vùng bẹn.
Mổ nội soi thoát vị bẹn 2 bên. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Nguyên nhân là do sự tồn tại của ống phúc tinh mạc ở trẻ nam hoặc ống nuck ở trẻ gái. Với trẻ bình thường, ống sẽ được đóng kín. Với một số bé ống không đóng kín, khi đường kính ống này đủ lớn để các tạng trong ổ bụng (ruột, mạc nối lớn, phần phụ) có thể chui qua đó xuống bẹn và bìu gây thoát vị bẹn.
Theo bác sĩ, trẻ thoát vị bẹn cần được phẫu thuật sớm khi phát hiện tránh các biến chứng nguy hiểm. Có hai phương pháp phẫu thuật thoát vị bẹn cơ bản đó là phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi. Tuy nhiên, với nhiều ưu thế đạt được, phương pháp mổ nội soi hiện đại đã dần thay thế phương pháp phẫu thuật thoát vị bẹn truyền thống.
Tương tự như các phương pháp nội soi khác, phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân và rạch đường rạch nhỏ ở bụng để đặt trocar. Ổ bụng được bơm khí CO2 để tạo khoang cho bác sĩ có thể thực hiện các thao tác trong ổ bụng. Bác sĩ phẫu thuật mổ ở lỗ thoát vị và đặt lưới để tăng cường thành bụng.
Phẫu thuật nội soi thoát vị được áp dụng cho hầu hết trường hợp thoát vị bẹn như thoát vị bẹn trực tiếp hay gián tiếp, thoát vị bẹn tái phát sau mổ mở.