Đi làm thuê cho người ta, không phải vì chức quèn, lương thấp mà bạn tỏ ra thụ động, ai sai gì làm nấy. Trước hết, hãy làm tốt công việc của mình theo yêu cầu của chủ. Sau khi quen việc, thạo việc thì nghiên cứu đề xuất cải tiến công việc của mình cho hiệu quả hơn.
Sẽ có đồng nghiệp hoặc không thích bạn, hoặc ganh tỵ với bạn, hoặc đơn giản là không muốn thay đổi thói quen làm việc của họ đưa ra ý kiến chống đối. Bạn không cần quan tâm đến họ, bạn chỉ việc giải thích cho sếp hiểu, thay đổi như thế thì công ty được lợi gì?
Sếp không đồng ý mà không đưa ra được lý do hợp lý nào thì sếp chính là loại người bảo thủ, bạn nên tìm chỗ làm mới và nhảy việc khi có điều kiện vì làm việc với loại sếp này rất khó có cơ hội thăng tiến. Ngược lại, nếu sếp phản biện bạn hợp lý đồng thời nêu ý kiến chỉnh sửa hoàn thiện đề xuất của bạn thì sếp này rất đáng để làm việc chung.
Nếu bạn thành công với đề xuất của mình, bạn đã được sếp đưa vào "diện theo dõi đặc biệt" để so sánh với người khác khi có cơ hội đề bạt. Được đề bạt là thêm việc thì cũng phải tăng lương, bằng không cũng chẳng khác gì lợi dụng công sức của người khác để thủ lợi. Nếu bạn là người thụ động, không muốn đụng chạm ai thì dù bạn có làm việc cả đời ở một công ty, mới vào ở vị trí nào thì sắp về hưu cũng ở vị trí đó vì bạn không có gì nổi bật hơn ai. Bạn năng động, linh hoạt, tích cực đề xuất ý kiến cũng là điều kiện để bạn đánh giá sếp chứ không phải chỉ thụ động chờ sếp đánh giá mình. Những người như vậy luôn đúng với tục ngữ "ngựa chứng là ngựa hay".
Những ông sếp bảo thủ luôn không thích loại nhân viên không "ngoan, hiền, dễ bảo" này. Những sếp có tham vọng lớn lại luôn cần những nhân viên này. Phát triển quy mô của doanh nghiệp – quy mô thị trường, nhân sự, tài chính, tổ chức, sản phẩm... - luôn là tham vọng của mọi sếp. Sếp nào không có tham vọng này thì doanh nghiệp ấy sớm muộn cũng lụn bại. Bạn sẽ muốn làm việc cho một doanh nghiệp "liên tục phát triển" hay muốn làm việc cho doanh nghiệp "bằng lòng với cái đã có"?
>> 'Muốn lương cao, hãy sẵn sàng nhảy việc, làm trái nghề'
Vì tương lai của chính mình, bạn phải chọn ông chủ và ông chủ cũng phải chọn nhân viên. Bạn không quan tâm đánh giá ông chủ và ông chủ không quan tâm đánh giá nhân viên thì cái doanh nghiệp ấy sẽ không phát triển được cũng đồng nghĩa với lương không tăng được.
Với tôi, điều kiện, môi trường làm việc luôn đặt lên hàng đầu rồi mới đến lương. Không có điều kiện, môi trường làm việc nào tốt mà có ông chủ xấu cả, vì chính ông chủ là người tạo ra điều kiện, môi trường ấy. Và nếu bạn có năng lực, chẳng có lý do gì mà bạn không được thăng chức, không được tăng lương? Dĩ nhiên, với điều kiện, môi trường làm việc tốt thì bạn sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn và ta phải chấp nhận điều đó. Cho dù là ông chủ cũng có đối thủ cạnh tranh – doanh nghiệp đối thủ - huống gì là nhân viên. Nơi nào có ít nhất hai người, nơi đó nhất định có cạnh tranh, không mặt này cũng mặt khác.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.