Xung quanh câu chuyện "Ba ứng xử của người tưởng ngốc mà không phải", nhiều độc giả VnExpress chia sẻ những rắc rối gặp phải khi cố không lao vào những cuộc tranh luận, thể hiện bản thân:
Tôi thực hiện đủ cả 3 cách ứng xử: luôn mỉm cười, không bao giờ tranh luận đúng sai, không cố thể hiện bản thân. Khi sếp nói về kết quả kinh doanh kém, tôi mỉm cười đồng ý. Khi sếp đưa ra tranh luận các khoản nội quy lao động, mức bảo hiểm... tôi luôn đồng ý, không tranh luận. Tôi cũng cố không thể hiện mình trong công việc, luôn âm thầm hoàn thành công việc, giúp đỡ đồng nghiệp mỗi khi có thể. Và kết quả của tôi đây: việc tôi ngày càng nhiều mà lương thưởng vẫn thấp nhất công ty. Cũng chỉ còn hơn 20 năm nữa là đến ngày về hưu. Làm người tài trí thật khó quá.
Tôi lúc nào cũng mỉm cười, không tranh luận với ai và không cố thể hiện bản thân để giấu mình suốt hơn 20 năm nay vẫn chưa gặp cơ hội. Có khả năng tôi sẽ phải mỉm cười trong im lặng và tiếp tục giấu mình thêm 20 năm nữa cho đến khi về hưu.
Chỉ khi nào bạn đã có quyền lực, tài sản, địa vị thì việc không tranh luận, không muốn tạo sự chú ý mới là cách ứng xử thông minh. Còn khi trong tay không có gì, tiền tài sự nghiệp cũng không, mà không có khả năng nổi bật giữa đám đông, không có khả năng tranh luận thì suốt đời chỉ là nhân viên đến khi nghỉ hưu mà chưa chắc có được thành tựu gì (trừ mảng nghiên cứu). Các bạn cứ vào công ty Âu - Mỹ sẽ rõ, dù bạn có tài nhưng không có chính kiến, thì chẳng bao giờ được cất nhắc lên cao, hoặc chỉ như cỡ trợ lý, chuyên viên thân tín là cùng.
Bạn thân tôi là tuýp người nói nhiều và luôn thích nói ra suy nghĩ, tranh luận trong giờ học cũng như công việc. Tôi cảm thấy bạn của mình rất nhanh nhẹn, năng động và con đường học hành cũng như sự nghiệp của bạn khá khởi sắc. Thầy cô, sếp và đồng nghiệp rất quý mến cô ấy. Còn tôi là người hoàn toàn ngược lại. Tôi chỉ im lặng và mỉm cười, chỉ nói khi thật sự cần nói. Dù có biết nhiều nhưng tôi không bao giờ phát biểu, không bao giờ nói ra nếu không được hỏi vì cảm thấy chẳng cần thiết.
Vì thói quen đó nên tôi cảm thấy tư duy của mình ngày càng chậm chạp, ngôn từ không phong phú để diễn tả theo ý mình muốn. Bạn thân hiểu tôi nên lúc nào cô ấy cũng bắt tôi nói ra suy nghĩ của mình, và có thể diễn đạt lại ý của tôi một cách logic theo ngôn từ của cô. Dù không biết đúng hay sai thì vẫn nên nói ra ý kiến của mình, từ đó biết đúng hay sai để sửa, mà như vậy sẽ càng nhớ lâu. Tôi nghĩ đây là tư duy rất thông minh và tiến bộ, như vậy xã hội mới phát triển được. Chứ người mà im im như tôi, đôi lúc bị đánh giá là khá mưu mô.
Ngày xưa tôi cũng nghĩ chỉ nên im lặng và mỉm cười nhưng qua thực tế rất nhiều lần tôi thấy không đúng như vậy. Chỉ khi người ta mở miệng trong tình huống cần lập luận và tranh luận thì tôi mới có thể đánh giá về tính cách và khả năng của họ. Người nói nhiều hay không, khả năng tài trí của họ theo tôi là như nhau. Gần đây tôi thích người nói nhiều hơn vì tôi biết rõ về họ hơn.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng là phải lựa chọn đúng người, đúng thời điểm để có những ứng xử phù hợp:
Cái gì cũng nên vừa phải, chừng mực, đúng thời điểm và hoàn cảnh.
1. Không phải người nào im lặng, mỉm cười trong đám đông cũng là ngốc nghếch, rụt rè sợ hãi. Có khi người ta chỉ bình thản xem xét, lắng nghe thái độ của những người xung quanh. Ai biết trong đầu người ta đang suy nghĩ gì?
2. Không bao giờ tranh luận đúng sai: nếu mình cứ về nhì mãi thì đôi khi mình sẽ bị thiệt thòi.
3. Không cố thể hiện bản thân: nhiều người thích chứng tỏ mình, cứ hay khua mép "ba hoa chích chòe" cho thiên hạ thấy là họ hiểu biết nhiều. Đôi khi họ cũng chỉ là những cái "thùng rỗng kêu to" mà thôi.
Theo quan điểm của tôi, ứng xử hài hòa lúc nào cần nói, lúc nào cần tranh luận và lúc nào cần im lặng mới là người hiểu biết. Các cụ nói "im lặng là vàng", nhưng biết ứng xử nói chuyện mới là kim cương. Mà kim cương luôn có giá trị hơn vàng. Đôi khi sự mỉm cười trong một cuộc tranh luận lại có thể bị hiểu là sự ba phải hoặc sự nham hiểm nào đó khiến đối tác băn khoăn để hợp tác.
Không cái gì là tuyệt đối cả. Tranh luận có văn hóa là cách nhân loại phát triển. Tranh luận cần diễn ra ở mọi cấp độ nhất là ở trường học, học sinh cần có chính kiến bảo vệ quan điểm của mình để bổ khuyết các kiến thức, tìm ra đúng sai và từ đó hoàn thiện bản thân mình. Ở những cấp độ cao hơn như ở cấp độ xã hội mà không có tranh luận thì cả xã hội chỉ còn một sự thinh lặng hoặc những tiếng nói đồng nhất, những lời ca tụng nhiều màu sắc. Mà một quốc gia thì không thể phát triển hay kiến tạo được điều gì nếu chỉ có đơn nhất một tư tưởng mà không có tranh luận. Còn với những kẻ cố chấp luôn cho mình là đúng thì tốt nhất chỉ nên im lặng.
Tôi rất hay mỉm cười dù là với người mình không ưa chút nào, bởi đó là cách xã giao tối thiểu; tôi cũng hạn chế tranh luận đúng sai nhưng sẽ nhất quyết bảo vệ lập trường với những trường hợp liên quan đến danh dự, hay bị ai đó hiểu lầm; tôi cũng hạn chế thể thiện bản thân, bởi thấy thể hiện xong sẽ có vài người không thiện cảm lắm.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.