Năm học lớp 12, lớp tôi thường hay rủ nhau gấp máy bay giấy. Mỗi người gấp một cái rồi ghi lên đấy ước mơ của mình. Sau đó lớp cử hai bạn xuống sân trường thu nhặt máy bay giấy, rồi cả lớp cũng nhau thả ước mơ của mình xuống. Ngày đấy thì tôi hay ghi trên máy bay giấy của mình là thi đậu đại học và trở thành tỷ phú.
Hàng chục năm sau, khi nhìn lại những ước mơ ấy, tôi cảm thấy thắc mắc là vì sao mình chỉ ghi là tỷ phú mà không ghi rõ là tỷ phú tiền gì. Nếu là đô la Zimbabwe thì lúc đó tôi đã là tỷ phú. Còn nếu là đôla Mỹ thì chắc cả đời này giấc mơ của tôi không bao giờ đạt được.
Ngày đó tôi chẳng biết gì để gọi là hướng nghiệp, lại càng không biết chút nào về các loại thông minh khác nhau. Cũng phải nhiều năm sau những ngày thả ước mơ xuống sân trường thì tôi mới nhận ra rằng, có rất nhiều cách để kiếm ăn và mình chỉ có thể làm những gì phù hợp với khả năng của mình.
Đó cũng là lúc tôi bỏ đi việc chê trách nghề nghiệp của người khác. Không phải là trước đó tôi coi thường những người làm các công việc bị cho là thấp kém, mà là tôi từng chê bai những ai khư khư ôm bằng cấp, không chịu đi làm những công việc tay chân cực nhọc dù kiếm được nhiều tiền hơn.
Nói thẳng ra, cha mẹ tôi đều là giảng viên đại học cao đẳng, nhưng thưở trước hai vị cũng bán quán cà phê, làm kem chuối, nấu chè bưởi để bán. Bản thân tôi từ lúc 10 tuổi đã bưng bê chạy bàn giúp cha mẹ, có gì mà chê bai.
Chả là, tôi qua Mỹ và gặp rất nhiều người có cả đống bằng cấp. Bằng cấp đó là ở Việt Nam, qua Mỹ thì đành vứt đi và mỗi người một kế sách khác nhau. Hầu như ai cũng đi làm việc chân tay, và tất nhiên là đa phần họ đều thất bại. Một số người lấy ngắn nuôi dài, làm việc chân tay và đi học lại để phấn đấu lên cao.
Có người cố chọn công việc nào mình có chút khả năng để làm rồi hy sinh đời bố, củng cố đời con. Chỉ có điều chắc chắn là chả ai dám ngồi đó mà ôm mớ bằng cấp đã trở thành giấy lộn của mình.
Nguyên nhân những người lắm bằng cấp ở Việt Nam lại thất bại khi làm việc chân tay ở Mỹ tới từ "tám loại thông minh" nói trên. Ông bà ta có câu "kẻ sĩ trói gà không chặt". Những người đầu óc thông minh thì chân tay vụng về yếu ớt, họ làm việc chân tay thất bại là phải.
Tôi cũng đã trải qua một số công việc chân tay bị cho là thấp kém nên cũng hiểu rõ rằng để làm những việc ấy chả dễ dàng gì. Hái dâu ở Úc diễn ra vào mùa hè, trời nắng nóng 40 độ C, dâu Tây núp dưới cây dâu lúp xúp trên đất, người hái phải bò lê cạnh bên, dùng ngón tay vặt cuống dâu. Hái cam ở Mỹ còn tệ hơn khi phải trèo lên thang để hái.
Những việc buôn bán nhỏ lẻ ở Việt Nam cũng chả dễ dàng gì. Người ta nói về trà đá vỉa hè mỗi ngày kiếm tiền triệu nhưng chả buồn nghĩ gì tới lúc mưa gió não nề, hàng hóa, áo quần ướt hết. Khi nào có đợt dọn dẹp vỉa hè thì chạy không kịp luôn.
Rồi thị hiếu khách hàng mỗi lúc mỗi khác. Đồ ăn thức uống phải bảo quản thế nào, gặp bọn giang hồ quậy phá phải xử lý ra sao, mấy cái đó cần rất nhiều tài năng. Người buôn bán vỉa hè phải khỏe mạnh, lanh lẹ, lại phải khôn lanh, biết cách luồn lách chứ chả dễ dàng gì.
Nói tóm lại, những nghề lao động chân tay đơn giản chỉ giản đơn với những ai chưa làm. Còn ai đã từng trải qua mới hiểu là, con người được trời phú cho cái gì thì nên dùng cái đó, những biện pháp khác chỉ được dùng tạm thời mà thôi.
Những ai khỏe mạnh, tay chân khéo léo mới làm nông được. Sức khỏe cũng phải ổn định mới buôn gánh bán bưng nổi. Mà nghề mua bán thì khó khăn vô cùng, để buôn may bán đắt không dễ dàng đâu. Ngoài chuyện chất lượng hàng hóa dịch vụ còn cả đống thứ ngoài chuyên môn, cho nên không phải đầu bếp nào cũng có thể làm chủ nhà hàng.
Người Việt ở Mỹ có cái nghề làm móng, và đó là cái nghề "mặc định" cho hầu hết phụ nữ Việt di cư sang Mỹ khi đã trưởng thành. Trên thực tế thì nghề đó đòi hỏi bàn tay khéo léo, mắt sáng tinh tường. Những người học giỏi ở Việt Nam qua làm nghề đó chưa chắc đã được. Họ tất nhiên là không dám chê nghề, nhưng mà nghề chê họ.
Vậy đó, những người học nhiều nhưng không kiếm được việc nhiều tiền cũng chưa chắc là vì họ chê những việc "thấp kém" hơn. Trong rất nhiều trường hợp thì họ chỉ không có khả năng làm việc tay chân bởi vì họ vụng về yếu ớt.
Công việc và sự nghiệp thì ai cũng có nỗi niềm riêng. Trừ những kẻ lười biếng ra thì ai có cố gắng làm việc đều biết sở trường sở đoản của mình. Ai kiếm được việc gì phù hợp thì họ sẽ làm, chứ nhất định đi vào chỗ mình làm không nổi thì trước sau cũng sẽ bị đuổi, vậy thôi.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.