Khi truy cập website bản đồ tại địa chỉ sosmap.net, một trang pop-up sẽ hiện ra, để lọc nhu cầu của người dùng là muốn cho hay muốn nhận. Thay vì gõ ra những thứ mình muốn, hệ thống có sẵn các loại nhu yếu phẩm, và người dùng chỉ cần điền số lượng mong muốn.
Ở phía người nhận, các nhu yếu phẩm có thể nhận là khẩu trang, đồ bảo hộ, rau củ quả, gạo, mỳ gói, tiền mặt... Người nhận có thể đăng ký cho cả gia đình hoặc xóm ngõ, bằng cách điền số người cần hỗ trợ.
Ở phía người cho, ngoài các nhu yếu phẩm (quần áo, khẩu trang, đồ bảo hộ, gạo), họ có thể đóng góp tiền mặt, sức lực hoặc phương tiện vận chuyển.
SOSmap được xây dựng dựa trên dữ liệu bản đồ Google Maps. Thông qua bản đồ trực quan, quản trị viên có thể biết được vị trí của những người cần cho và cần nhận, để xây dựng phương án lưu chuyển hàng hóa một cách hợp lý nhất. Dữ liệu về thông tin và số điện thoại của người đăng ký được bảo mật bằng cách che 2 số cuối của số điện thoại.
Theo Phạm Thanh Vi, CEO công ty Xtek - đơn vị xây dựng SOSmap, bản đồ này góp phần giải quyết vấn đề phân phối nguồn lực thiện nguyện.
"Chúng tôi từng hỗ trợ người dân ở vùng lũ và nhận thấy tình trạng 'giẫm chân nhau' của các nhóm thiện nguyện, dẫn đến nhiều nơi nhận được quá nhiều, trong khi nơi khác lại không có", anh Vi nói. Từ đó, ý tưởng về một bản đồ hỗ trợ việc thiện nguyện được anh và các cộng sự tại Xtek xây dựng và ứng dụng trong đợt dịch tại TP HCM. Nhờ bản đồ, việc tìm kiếm thông tin, địa chỉ để chuyển nhu yếu phẩm cũng thuận lợi hơn.
Các điểm có người muốn cho sẽ hiển thị màu cam, điểm có người muốn nhận hiển thị màu đỏ. Khi người cần đã nhận được nhu yếu phẩm, trạng thái sẽ chuyển qua màu xanh.
Sau 10 ngày triển khai, SOSmap đã ghi nhận hơn 1,3 nghìn lượt đăng ký nhận, gần 100 lượt đăng ký cho. Hàng trăm người đã nhận được nhu yếu phẩm qua hệ thống này.
Tuy nhiên, việc xây dựng bản đồ "cho - nhận" chỉ là bước khởi đầu của quá trình kết nối người nhận và người cho. Theo anh Phạm Thanh Vi, để giải pháp này hoạt động, cần một đội ngũ ở giữa, kết nối bên cho và bên nhận.
Hiện tại, đội này gồm 4 quản trị viên và 21 tổng đài viên phụ trách việc quản trị hệ thống cũng như liên hệ với các bên để tiếp nhận và xác minh thông tin. Cùng với đó, đội ngũ hơn 70 tình nguyện viên hỗ trợ việc nhận hàng từ bên cho, chuyển tới kho và phân phối đến những người cần. Bản thân anh, ngoài việc điều hành công ty, cũng tham gia làm shipper để vận chuyển hàng hóa đến người nhận.
Do giãn cách xã hội, việc di chuyển gặp khó khăn, anh Vi cho biết việc hỗ trợ này mới chủ yếu diễn ra ở TP HCM và Bình Dương. Ngoài ra, số lượng người cần nhận hiện nhiều hơn đáng kể so với số người cho, anh hy vọng sắp tới sẽ có nhiều tình nguyện viên, cũng như nhiều người cho hơn tham gia vào giải pháp này.
Tại TP HCM, thời gian qua nhiều giải pháp công nghệ được phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội trong dịch Covid-19. Hồi đầu tháng 7, ứng dụng "Mua sắm an toàn" giúp người dân TP Thủ Đức tìm kiếm địa điểm mua bán đang hoạt động gần mình kèm thông tin chỉ đường hoặc đặt hàng trực tuyến cũng được phát hành. Mới đây, một giải pháp bản đồ cung cấp vị trí của 3.000 điểm bán hàng thiết yếu tại TP HCM cũng được một nhóm kỹ sư độc lập phát triển, giúp người dân mua sắm dễ dàng hơn. Bản đồ BusMap cũng được tích hợp tính năng tìm xe buýt thực phẩm lưu động.
TP HCM cũng là địa phương thí điểm đăng ký tiêm chủng vaccine qua app Sổ sức khỏe điện tử, quản lý F0, F1 tại nhà thông qua ứng dụng VietNam Health Declaration (VHD). Giải pháp sử dụng ứng dụng Y tế HCM giúp người dân có thể nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 qua app, hay dùng cổng thông tin giúp người dân tra cứu thông tin của người thân đang cách ly, cũng đã được triển khai trong tháng 7 tại TP HCM.
Lưu Quý