Để sử dụng, người dùng tải ứng dụng BusMap trên smartphone hoặc truy cập website https://map.busmap.vn/hcm. Với một số phiên bản ứng dụng cũ, người dùng vào Menu, chọn Cập nhật dữ liệu để tải về phiên bản mới nhất.
Hiện số lượng xe buýt lưu động bán thực phẩm chưa nhiều (dưới 10 chiếc) và phân tán khắp thành phố. Vì vậy, để biết vị trí các xe này, người dùng cần thu nhỏ bản đồ để nhìn bao quát toàn khu vực, khi đó các biểu tượng rau củ quả đánh dấu vị trí xe buýt thực phẩm sẽ hiện ra.
Khi bấm vào, bản đồ sẽ hiển thị thông tin của xe buýt này, gồm vị trí trong ngày, trạng thái hoạt động, tên và số điện thoại của người phụ trách xe và đơn vị cung cấp. Người dùng có thể tìm đường từ nhà đến vị trí của xe bằng tính năng chỉ đường tích hợp sẵn trên BusMap.
Theo ông Lê Anh Sơn, đại diện công ty Phenikaa MaaS, đơn vị phát triển BusMap, ứng dụng sẽ cập nhật thường xuyên vị trí các xe buýt này. Hiện tại, các xe này thường đỗ mỗi ngày một vị trí để phục vụ người dân khắp thành phố.
"Nếu nắm được lịch trình hoạt động của xe buýt bán hàng, người dân có thể dễ dàng tiếp cận các điểm bán gần nhất, tránh tụ tập đông người, tuân thủ quy tắc 5K và các quy định phòng, chống dịch", ông Sơn nhận định.
Ý tưởng xe buýt lưu động được triển khai tại TP HCM từ ngày 21/7, do Sở Công thương TP HCM kết hợp cùng công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến thực hiện. Mục tiêu của dự án này là hỗ trợ người dân, nên giá của nhiều mặt hàng ở mức "không lợi nhuận".
Để minh bạch giá, bên ngoài các xe buýt thực phẩm lưu động này có các tấm biển ghi rõ từng loại hàng, giá cả, để người dân lựa chọn. Ngoài các loại rau củ quả, xe buýt còn chở nhiều loại hàng khác với giá ưu đãi như gạo, trứng...
Giải pháp bản đồ tìm xe buýt thực phẩm lưu động tại TP HCM được phát triển trên nền tảng BusMap - bản đồ chuyên về tìm lịch trình xe buýt, được cung cấp trên cả trình duyệt web và ứng dụng di động. Phiên bản BusMap trên Android là một trong những ứng dụng Việt Nam hiếm hoi đạt trên 1 triệu lượt tại. Theo nhà phát triển, ứng dụng này đã có 2 triệu lượt tải và 400 nghìn người dùng hàng tháng.
Phenikaa MaaS cũng là công ty đứng sau giải pháp bản đồ dịch tễ Covid-19 được sử dụng tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Bản đồ giúp người dân biết được các khu vực có nguy cơ tiếp xúc dịch bệnh cao và tìm đường đi khác. Đến nay, đơn vị này đã xây dựng 15 bản đồ Covid-19, được dùng tại nhiều khu vực, như Bắc Giang, Đà Nẵng, Lâm Đồng, An Giang, Đồng Nai và Hà Tĩnh.
Tại TP HCM, thời gian qua nhiều giải pháp công nghệ được phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội trong dịch Covid-19. Hồi đầu tháng 7, ứng dụng "Mua sắm an toàn" giúp người dân TP Thủ Đức tìm kiếm địa điểm mua bán đang hoạt động gần mình kèm thông tin chỉ đường hoặc đặt hàng trực tuyến cũng được phát hành. Mới đây, một giải pháp bản đồ cung cấp vị trí của 3.000 điểm bán hàng thiết yếu tại TP HCM cũng được một nhóm kỹ sư độc lập phát triển, giúp người dân mua sắm dễ dàng hơn. TP HCM cũng là địa phương thí điểm đăng ký tiêm chủng vaccine qua app Sổ sức khỏe điện tử, quản lý F0, F1 tại nhà thông qua ứng dụng VietNam Health Declaration (VHD). Giải pháp sử dụng ứng dụng Y tế HCM giúp người dân có thể nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 qua app, hay dùng cổng thông tin giúp người dân tra cứu thông tin của người thân đang cách ly, cũng đã được triển khai trong tháng 7 tại TP HCM.
Lưu Quý