Ứng dụng Y tế HCM đang có sẵn trên hai kho ứng dụng CH Play và App Store. Người dân chỉ cần tải về, đăng nhập bằng số điện thoại cá nhân là có thể sử dụng. Thao tác đăng nhập đơn giản, người dùng chỉ cần nhập số điện thoại và xác nhận bằng mã OTP gửi về tin nhắn.
Giao diện của Y tế HCM khá trực quan. Từ màn hình chính, người dùng có thể chọn mẫu khai báo y tế khi đến bệnh viện hoặc cơ quan, công sở. Nội dung tương tự trên các ứng dụng khai báo sức khoẻ toàn dân như VHD, Bluezone. Sau khi khai báo, ứng dụng sẽ tự động cập nhật vào mã QR cá nhân. Người dùng chỉ cần đưa mã QR để cơ quan chức năng kiểm tra.
Ngoài ra ứng dụng còn có thêm tính năng quét QR code để khai báo và đánh dấu điểm đến. Tính năng này giúp người dùng dễ dàng xem lại lịch trình di chuyển của mình, đã đến đâu, thời gian nào. Cơ quan y tế cũng có thể dựa trên đó để truy vết trong trường hợp cần thiết.
Tính năng đáng chú ý nhất trên ứng dụng Y tế HCM là trả kết quả xét nghiệm Covid-19 bằng mã QR. Việc này không chỉ giúp người dân tiết kiệm được thời gian đi lại, hạn chế tiếp xúc, mà còn giúp số hóa dữ liệu sức khoẻ người dân, thay vì dùng giấy xác nhận như truyền thống.
Để xem kết quả xét nghiệm, người dùng đăng nhập vào phần "Thông tin của tôi - My QR" kéo xuống mục "Kết quả xét nghiệm Covid-19". Thông tin xét nghiệm được hiển thị dưới dạng mã QR. Theo Sở Y tế TP HCM, mã QR này có giá trị tương tự tờ xác nhận kết quả xét nghiệm, có thể xuất trình cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Dưới mã QR xét nghiệm Covid-19 có thêm thông tin về người được xét nghiệm, thời gian, địa điểm, thời gian, kỹ thuật và lý do xét nghiệm. Tuy nhiên, nhiều người cho biết họ đã làm xét nghiệm nhưng kết quả vẫn thông báo chưa có trong ứng dụng.
Trên ứng dụng Y tế HCM, mỗi người dân được định danh bằng một mã QR. Theo Sở Y tế TP HCM, sau khi đăng ký kích hoạt tài khoản người dùng, hệ thống sẽ tự động kết nối với hệ thống cấp mã định danh QR cá nhân của Bộ Thông tin và Truyền thông. Từ đó, mã định danh QR cá nhân của người dân có thể được sử dụng đồng bộ với ứng dụng Truy vết tiếp xúc Bluezone và ứng dụng khai báo y tế VHD của Bộ Y tế.
Trước khi trả kết quả xét nghiệm qua mã QR trên toàn thành phố, hệ thống đã được thí điểm tại 4 bệnh viện, gồm Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, TP Thủ Đức và Lê Văn Thịnh.
Trước đó, ngày 12/7, Sở Y tế TP HCM ghi nhận gần 100 đơn vị kết nối dữ liệu xét nghiệm về trung tâm dữ liệu, với trên 50.000 kết quả xét nghiệm được trả. Dữ liệu được liên thông từ hệ thống phần mềm của các đơn vị được cấp phép xét nghiệm Covid-19 (gồm cả test nhanh kháng nguyên và xét nghiệm khẳng định RT-PCR). Để kết quả được liên thông, các cơ sở y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) cũng cần xây dựng hệ thống, chuẩn hóa dữ liệu với ứng dụng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP HCM đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ để kiểm soát dịch bệnh, giúp người dân ổn định với cuộc sống. Ngoài ứng dụng Y tế TP HCM, TP HCM còn dùng Robocall vào việc sàng lọc bệnh nhân có nguy cơ mắc Covid-19. Hệ thống AI sẽ tự động gọi đến số điện thoại của người dân, hỏi thăm tình hình sức khoẻ và sàng lọc người có nguy cơ dương tính thông qua các triệu chứng.
Trước khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, ứng dụng bản đồ tránh Covid-19 đã giúp người dân tìm đường di chuyển, tránh những nơi đang phong toả hoặc có ca dương tính. Sau khi các chợ truyền thống phải đóng cửa một số quận huyện như thành phố Thủ Đức còn phát xây dựng thêm ứng dụng "Mua sắm an toàn", giúp người dân TP Thủ Đức tìm kiếm địa điểm mua bán đang hoạt động gần mình kèm thông tin chỉ đường hoặc đặt hàng trực tuyến.
Khi số ca nhiễm Covid-19 của thành phố tăng cao, lượng người tiếp xúc gần lớn, gây quá tải các cơ sở y tế tập trung, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đề xuất dùng công nghệ để kiểm người cách ly tại nhà. Ứng dụng sẽ quản lý người cách ly bằng nhận diện khuôn mặt và định vị.
Khương Nha