Tâm lý không thích đến văn phòng làm việc đang xuất hiện ngày một phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là trong nhóm lao động dưới 35 tuổi. Đây là nhóm người thích sự tự do, hướng đến độc lập, muốn chủ động phát triển cá nhân. Tại Việt Nam, Gen Z có khoảng 15-16 triệu người, chiếm khoảng 25% lực lượng lao động. Số lao động này dự kiến tăng lên 30% vào năm 2030 và nhiều người trong đó muốn có công việc đem lại sự tự do.
Cho rằng việc xa rời tập thể "hại nhiều hơn lợi", độc giả Hien Bui chia sẻ: "Do tính chất công việc thay đổi nên công ty tôi không cần nhân viên đến văn phòng làm việc. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tôi quyết định trả mặt bằng để giảm chi phí, cho toàn bộ nhân viên xách máy làm ở nhà. Mấy tháng đầu không có chuyện gì đáng kể, tuy nhiên, càng về sau tôi phát hiện ra tinh thần của các nhân viên có sự mất cân bằng, bắt đầu xuất hiện độ trơ trong giao tiếp, các động lực làm việc giảm sút.
Tôi biết mình đã sai lầm dù nó có bắt nguồn từ điều kiện khách quan. Tới đây, tôi chợt nghĩ đến mấy con cá bảy màu đang nuôi, khi tôi tách các con mái đẻ, hoặc các cặp cá đẹp ra riêng thì độ nhanh nhạy, hoạt bát của chúng không còn như lúc được thả chung trong đàn. Con người cũng vậy, vì bất cứ lý do gì cũng không thể sống và làm việc xa rời tập thể".
Đồng quan điểm, bạn đọc Dân đen nêu quan điểm: "Đã phải đi làm thuê kiếm tiền mà lại muốn mọi thứ theo ý mình thì thật khó chấp nhận. Nếu ai cũng yêu cầu không phải lên công ty làm việc thì các sếp việc gì phải thuê văn phòng cho tốn kém chi phí? Đã gọi là công ty thì phải đúng là một tổ chức tập thể, đó là điểm khác nhau với các công việc tự do.
Các bạn có yêu cầu làm việc tự do thì tốt nhất các bạn nên tự mở công ty mà làm, chứ đã đi làm thuê mà còn yêu cầu này nọ thì không sếp nào chịu cả. Người ta đầu tư chi phí tốn kém để mở công ty, kinh doanh kiếm tiền, nên chẳng có lý gì phải chiều theo ý kiến của người làm thuê? Tôi mà làm giám đốc, nhân viên nào yêu cầu không lên văn phòng, đòi làm việc tại nhà, tôi sẽ cho nghỉ việc ngay mà không cần phải suy nghĩ".
Nói tới những lo ngại về một thế hệ nhảy việc, độc giả GacibOark bình luận: "Chỉ có một số ít công việc mang tính chất đặc biệt thì mới có thể tương đối thoải mái trong vấn đề thời gian, địa điểm làm việc. Còn bình thường người ta sinh ra công ty phải có văn phòng, nơi làm việc. Gặp mấy nhân viên đòi không phải lên công ty làm việc thì dù họ giỏi mấy tôi cũng cho nghỉ việc. Bởi với tư tưởng hay đòi hỏi ấy, sớm muộn gì họ cũng nhảy việc. Đó cũng là lý do chúng ta đang có thế hệ trẻ nhảy việc, không biết mình là ai".
>> Cà phê sập tiệm vì khách ngồi hàng giờ nhưng chỉ gọi ly 25.000 đồng
Trong khi đó, khẳng định những ưu điểm khi linh hoạt địa điểm làm việc, bạn đọc Kulgaid phản biện: "Cách quản trị của nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam nhìn chung còn rất kém. Nhân sự sẵn sàng nhận lương thấp hơn để được làm từ xa thay vì lên văn phòng với mức lương cao, điều đó có gì không tốt? Xu hướng của các công ty quốc tế là cho nhân viên làm việc từ xa hoặc linh hoạt thay đổi với những vị trí có thể, vì sẽ tiết kiệm chi phí hoạt động cho công ty (tiền mặt bằng, điện, nước...) và cả tinh thần của nhân viên. Nếu chủ doanh nghiệp biết quản trị dựa trên hiệu suất công việc thì kết quả sẽ tốt hơn cho cả đôi bên".
Đồng tình với lập luận này, độc giả Vy Lê bổ sung thêm: "Tôi thấy quan trọng là kết quả công việc. Môi trường làm việc sẽ kích thích sáng tạo và tập trung cho nhân viên. Chẳng hạn, tôi thấy các bạn trẻ hay đến quán cà phê để ngồi học bài và làm việc vẫn rất hiệu quả. Thời đại này rồi, cần gì phải gò bó vào những nguyên tắc nếu nó không giúp cho chất lượng công việc tốt hơn.
Còn về việc xa rời tập thể, theo tôi, có những tập thể mà nhân viên càng không tiếp xúc càng tốt vì 'gần mực thì đen'. Tôi sống trong môi trường mà người ta đi làm thay vì phát triển bản thân một cách tích cực, thì họ chỉ dành thời gian để nói xấu và hạ bệ nhau. Tập thể này không tiếp xúc cũng được. Chỉ là tôi đã quá tuổi và bản lĩnh để bắt đầu lại từ đầu sau khi nhận ra được điều này".
"Nhiều công ty nước ngoài cũng thích cho nhân viên làm việc từ xa, một tuần lên công ty một lần hoặc khi có việc cần mới lên. Vì công nghệ của họ hiện đại, làm từ xa được, họp hành online được, không phải làm việc với giấy tờ nhiều. Công ty cũng được lợi là không tốn tiền thuê mặt bằng rộng, giảm chi phí điện nước, bàn ghế nọ kia.
Còn người lao động đỡ tốn thời gian di chuyển (đặc biệt là di chuyển ở mấy thành phố lớn như TP HCM hay Hà Nội, có khi mất vài tiếng đi làm), đỡ tốn công sức, đỡ mệt mỏi. Chưa kể, môi trường văn phòng cũng không phải chỗ nào cũng tốt, nhiều nơi rất độc hại, soi mói, kèn cựa, thái độ tồi tệ, hay buôn dưa lê ồn ào... Những chỗ kiểu này thì hạn chế gặp nhau sẽ tốt hơn", bạn đọc Hoàng tử ếch kết lại.