Khoảng cuối năm 2019, tôi bất ngờ nhận được một cuộc gọi hẹn cà phê của người bạn cũ đã khá lâu không liên lạc. Sau vài lời hỏi thăm về tình hình sức khỏe công việc, anh đi ngay vào vấn đề với sự hồ hởi. Anh bảo vừa đầu tư được một hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất khoảng hơn 960 KWh và đã đấu điện hòa lưới. Giờ anh chỉ ngồi không mà mỗi tháng cũng thu được 200-300 triệu đồng.
Anh bạn tôi muốn chúng tôi hợp tác để đầu tư thêm một hệ thống nữa. Anh bảo mọi thứ từ việc thuê đất đặt tấm quang năng cho đến việc ký hợp đồng bán điện đều có thể lo liệu được, chỉ là đang thiếu vốn đầu tư. Tôi nói giờ mình không còn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nên không rõ lắm về việc kinh doanh điện mặt trời mái nhà và chính sách hiện nay như thế nào? Tất cả những gì tôi biết phần lớn qua thông tin từ các bài báo đọc hàng ngày. Thế nên, tôi không thấy hào hứng với kế hoạch đầu tư như vậy.
Tuy nhiên, tôi cũng hỏi thêm về các vấn đề xuất đầu tư, công suất lắp đặt, kỹ thuật... Nhưng sau một vài chia sẻ từ người bạn của mình, tôi lại thấy khá mông lung về hiệu quả. Tôi nói mình không có số tiền lớn như vậy để đầu tư và hỏi anh về một vài vấn đề có thể xảy ra. Bởi tôi nhận thấy việc đầu tư này có một vài bất cập mà thực tế sau này không thể khắc phục.
"Nếu ngày mai, ngay kia hoặc trong vài tháng tới, nhà nào xung quanh đó cũng lắp điện mặt trời mái nhà thì theo anh bên mua sẽ bán điện cho ai mà mua của mình?", tôi hỏi. Anh bạn tôi ngập ngừng, nói: "Không biết, đó là chuyện của EVN vì ký hợp đồng rồi thì mình cứ hòa lưới thôi". Tôi đáp: "Khó là ở chỗ đấy, vì nếu không xác định được ai có thể tiêu thụ hết lượng điện dư đó thì phía mua sẽ nhận ra những bất cập từ hợp đồng đã ký và sẽ có những điều chỉnh chính sách để hệ thống điện khu vực không bị nhiễu loạn". Lúc đó, người thiệt hại chính là anh.
Câu chuyện này có lẽ không chỉ xảy ra với một người vài người như chúng tôi, mà thực tế rất nhiều người làm điện mặt trời mái nhà đã gặp phải. Tôi thấy, việc xác định xuất đầu tư và khả năng thu hồi vốn thuộc về vấn đề kinh doanh (điện mặt trời thương mại) còn điện mặt trời mái nhà về bản chất là phục vụ nhu cầu sử dụng tại chỗ (cho chính hộ lắp đặt), còn phần dư (không thể lớn hơn tối đa 30% tổng công suất lắp đặt tùy từng khu vực) sẽ giải quyết thế nào?
>> Tranh cãi 'điện mặt trời quá nhiều làm tăng giá điện'
Vậy nên, ở đây cần tách rõ loại hình điện mặt trời mái nhà thành hai loại cụ thể là loại sử dụng tại chỗ và loại thương mại:
Điện mặt trời mái nhà để sử dụng tại chỗ là hệ thống do người dân, hộ cá thể tự lắp đặt và sử dụng. Loại hình này không nên đặt ra vấn đề thương mại dưới bất kỳ hình thức nào, nên việc mua 0 đồng là hoàn toàn hợp lý bởi rất khó giám sát các vấn đề an toàn hệ thống (cháy nổ), chất lượng nguồn điện đầu ra (điện mặt trời mái nhà là dòng điện một chiều, phải qua hệ thống Inverter để chuyển thành dòng xoay chiều và chất lượng dòng xoay chiều ra rất khác nhau giữa các loại Inverter).
Còn điện mặt trời mái nhà thương mại là hệ thống do một pháp nhân (công ty) có đầy đủ chức năng kinh doanh điện lực thực hiện. Bởi các công ty muốn có giấy phép kinh doanh điện cần đáp ứng nhiều tiêu chí về mặt con người và kỹ thuật, từ đó mới có thể đảm bảo các yếu tố kinh doanh thương mại và nộp thuế công bằng như những đơn vị kinh doanh khác. Lúc này mới có thể xác định chính xác xuất đầu tư thực là bao nhiêu, hoàn vốn là bao lâu và lợi nhuận như thế nào?
Việc mua điện và bán điện có thể phân về cho EVN các vùng (Tổng công ty EVN miền Bắc, miền Trung, miền Nam...). Công suất lắp đặt, giá mua điện và bán điện cần phải qua những bước đàm phán cụ thệ trên tiêu chi đáp ứng được của cả hai bên mua và bán (tùy theo khu vực cụ thể) và việc này không thể phá vỡ quy hoạch điện. Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà thương mại cũng có thể bán trực tiếp thông qua hạ tầng điện sẵn có (phải tính lại giá truyền tải theo tiêu chí thương mại) hoặc do đơn vị đó tự đầu tư (tùy khu vực cụ thể cho phép).
Theo tôi, cái thiếu hiện nay về các quy định mua bán điện mặt trời mái nhà thương mại là việc cấp quyền cho các Tổng công ty điện lực các miền được phép mua với giá nào (giá điện theo giờ, theo mùa và theo vùng) và mua bao nhiêu? Để phát triển điện năng cũng như năng lượng sạch, cần thị trường mua bán điện cạnh tranh.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Điện mặt trời lợi nhiều hơn hại'
- 'Tiết kiệm 5 triệu đồng mỗi tháng nhờ điện mặt trời mái nhà'
- Tăng giá điện sản xuất theo vùng để ngăn thiếu điện
- 'Tiền điện chực chờ tăng thêm khi tính giá mới'
- Trao quyền tăng giá điện cho EVN
- Cào bằng giá điện