Italy không may là nước phương Tây đầu tiên bị Covid-19 tấn công với số ca tử vong đã lên tới hơn 26.000, chỉ xếp sau Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới. Ca nhiễm nCoV nội địa đầu tiên của Italy được ghi nhận vào ngày 21/2, ở thời điểm mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khẳng định rằng nCoV "có thể được kiểm soát" và mức độ lây lan không nghiêm trọng bằng cúm mùa.
Nhưng ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy vùng Lombardy với 10 triệu dân ở phía bắc, nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh tại Italy, đã gặp phải hàng loạt vấn đề về nhân khẩu học, hệ thống chăm sóc y tế, bên cạnh những thách thức về chính trị cũng như lợi ích kinh tế, khiến dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát.
Italy là nước châu Âu đầu tiên đình chỉ mọi đường bay với Trung Quốc từ ngày 31/1 và đặt các máy quét nhiệt tại sân bay để phát hiện người bị sốt. Tuy nhiên, lúc này đã là quá muộn. Các nhà dịch tễ học cho rằng virus đã lây lan bên trong Lombardy từ ít nhất đầu tháng một.
Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc viêm phổi vào tháng một và tháng hai không biết đó chính là nCoV bởi đây chỉ là một triệu chứng quen thuộc và virus vẫn được tin là chưa vượt khỏi Trung Quốc.
Thậm chí sau khi Italy ghi nhận ca đầu tiên, các bác sĩ vẫn không hiểu cách thức bất thường mà Covid-19 tác động tới bệnh nhân với một số người bị suy giảm nghiêm trọng khả năng thở.
"Sau một giai đoạn ổn định, tình trạng của nhiều người xấu đi nhanh chóng. Đây là thông tin lâm sàng mà chúng tôi không có", Maurizio Marvisi, bác sĩ chuyên khoa phổi tại một phòng khám tư nhân ở Cremona, nói. "Thực tế không có bất kỳ thông tin nào trong tài liệu y khoa".
Vì các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của Lombardy đã bị lấp đầy bởi những ca nhiễm đầu tiên, một số bác sĩ tìm cách điều trị và theo dõi bệnh nhân tại nhà. Họ để bệnh nhân sử dụng liệu pháp oxy bổ sung, thường được dùng cho các trường hợp điều trị tại nhà ở Italy.
Chiến lược trên đã được chứng minh là một sai lầm khi số người chết tại nhà và chết sau nhập viện không lâu nhanh chóng tăng lên.
Quá tin tưởng vào chăm sóc tại gia "có thể là yếu tố quyết định trả lời cho câu hỏi vì sao tỷ lệ tử vong của Italy lại cao đến thế", Marivi nhận xét.
Italy buộc phải tập trung điều trị tại nhà một phần bởi các phòng ICU không đủ đáp ứng. Sau nhiều năm bị cắt giảm ngân sách, Italy bước vào khủng hoảng với chỉ 8,6 giường ICU/100.000 người, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 15,9% của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và chỉ bằng một phần so với mức 33,9% của Đức.
Kết quả là các bác sĩ khám bước đầu trở thành những "lưới sàng lọc" bệnh nhân nhiễm virus đầu tiên. Họ là một đội ngũ chủ yếu gồm những bác sĩ tự hành nghề thuộc hệ thống y tế công cộng nhưng nằm ngoài mạng lưới bệnh viện khu vực.
Vì chỉ những người có triệu chứng nặng được xét nghiệm do các phòng xét nghiệm ở Lombardy không thể xử lý nhiều hơn, những bác sĩ gia đình này không biết liệu họ có bị nhiễm virus hay không. Các bệnh nhân của họ lại càng không biết.
Với rất ít thông tin lâm sàng có sẵn, các bác sĩ đồng thời không có cả hướng dẫn cụ thể về việc khi nào nên cho bệnh nhân nhập viện, khi nào nên giới thiệu họ tới bác sĩ chuyên khoa. Và vì nằm ngoài hệ thống bệnh viện, khả năng tiếp cận khẩu trang và đồ bảo hộ của họ cũng bị giới hạn.
"Chính quyền khu vực không kịp cung cấp thiết bị bảo hộ cho chúng tôi, nếu có, chúng cũng không đủ. Lần đầu tiên, họ phát 10 mặt nạ phẫu thuật và 10 đôi găng tay", bác sĩ Laura Turetta ở thành phố Varese cho hay. "Với việc chúng tôi phải tiếp xúc gần với bệnh nhân, đây rõ ràng không phải cách đúng đắn để chúng tôi tự bảo vệ".
Hiệp hội bác sĩ vùng Lombardy ngày 7/4 trình một bức thư lên chính quyền khu vực, liệt kê 7 "sai lầm" trong cách nhà chức trách đối phó với khủng hoảng, như thiếu xét nghiệm cho các nhân viên y tế, thiếu thiết bị bảo hộ và thiếu dữ liệu về tình trạng lây nhiễm.
Chính quyền khu vực bác bỏ các chỉ trích và bảo vệ những nỗ lực của mình. Dù vậy, cơ quan bảo vệ dân sự thừa nhận rằng Italy bị phụ thuộc vào trang thiết bị bảo hộ nhập khẩu và quyên góp từ bên ngoài nên không có đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu.
Hai ngày sau khi Italy báo cáo ca nhiễm đầu tiên tại thành phố Lodi, vùng Lombardy, một ca dương tính khác được ghi nhận tại Alzano, tỉnh Bergamo, cách đó 60 phút lái xe. Trong khi phòng cấp cứu tại bệnh viện Lodi đóng cửa, phòng cấp cứu tại Alzano vẫn mở sau vài giờ dọn dẹp, trở thành một nguồn lây nhiễm chính.
Các tài liệu nội bộ được báo chí Italy đăng tải cho thấy hàng loạt trường hợp viêm phổi nặng được phát hiện tại bệnh viện Alzano sớm nhất từ ngày 12/2 và nhiều khả năng là Covid-19. Lúc bấy giờ, Bộ Y tế Italy vẫn chỉ khuyến cáo thực hiện xét nghiệm với những bệnh nhân trở về từ Trung Quốc hay có tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV.
Đến ngày 2/3, Viện Y tế Cao cấp Italy khuyên Alzano và thành phố Nembro lân cận phong tỏa như Lodi đã làm. Nhưng nhà chức trách không chịu thực hiện theo khuyến nghị, để virus tiếp tục lây lan thêm một tuần nữa, tới khi Lombardy bị phong tỏa vào ngày 7/3.
"Nếu thực hiện phong tỏa ngay lập tức, họ có lẽ đã ngăn được virus lây lan tới những khu vực khác thuộc Lombardy", tiến sĩ Guido Marinoni, người đứng đầu hiệp hội bác sĩ tỉnh Bergamo, nói. "Thay vào đó, họ lại thực hiện những biện pháp kém quyết liệt trên khắp Lombardy, tạo điều kiện để virus lây lan".
Khi được hỏi vì sao không phong tỏa Bergamo sớm hơn, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte trả lời rằng chính quyền khu vực có thể tự đưa ra quyết định. Thống đốc vùng Lombardy Attilio Fontana phản bác đây là "lỗi từ cả hai phía".
Lombardy chiếm 1/6 dân số Italy, là vùng có mật độ dân cư đông nhất nước và là trái tim công nghiệp của đất nước. Lombardy cũng có nhiều người trên 65 tuổi hơn các khu vực khác và sở hữu 20% số viện dưỡng lão của Italy, một "quả bom hẹn giờ" lây nhiễm nCoV.
"Rõ ràng ngay từ đầu chúng ta nên phong tỏa hoàn toàn ở Lombardy, yêu cầu tất cả ở nhà, không ai được di chuyển", Andrea Crisanti, nhà vi trùng học và virus học cố vấn cho chính quyền khu vực Veneto, bình luận. Tuy nhiên, ông thừa nhận để thực hiện phong tỏa hoàn toàn là điều vô cùng khó khăn bởi vai trò của Lombardy quá quan trọng đối với kinh tế Italy.
"Có lẽ vì những lý do chính trị, nó đã không được thực hiện", ông nói.
Các hiệp hội và thị trưởng một số thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Lombardy giờ đây tiết lộ Confindustria, nhóm vận động hành lang công nghiệp chính của Italy, đã gây áp lực rất lớn chống phong tỏa với lý do rằng thiệt hại về kinh tế sẽ là không thể đong đếm được đối với một khu vực đóng góp 21% GDP Italy.
Ngày 28/2, một tuần sau khi dịch bùng phát và Bergamo đã ghi nhận hơn 100 ca nhiễm, chi nhánh tại tỉnh của Confindustria phát động một chiến dịch bằng tiếng Anh trên mạng xã hội mang tên #Bergamoisrunning. Họ khẳng định rằng dịch bệnh ở khu vực không tồi tệ hơn những nơi khác, "nhận thức sai lệch" về số ca nhiễm bắt nguồn từ việc xét nghiệm quá gấp rút và rằng các nhà máy thép cùng những ngành công nghiệp khác không bị ảnh hưởng.
Confindustria còn phát động chiến dịch riêng trên toàn vùng Lombardy, truyền thông điệp #Yeswework (Vâng, chúng ta vẫn làm việc). Thị trưởng Milan tuyên bố thành phố "sẽ không dừng lại".
Thời điểm đó, lãnh đạo Confindustria Lombardy Marco Bonometti thừa nhận "các biện pháp quyết liệt" cần được thực hiện ở Lodi nhưng vẫn tìm cách hạ thấp cảnh báo.
"Chúng ta phải để người dân biết rằng họ vẫn có thể quay trở lại cuộc sống trước đây", ông nói.
Thậm chí sau khi Lombardy bị phong tỏa hoàn toàn ngày 7/3, Confindustria vẫn cho phép các nhà máy mở cửa, làm dấy lên làn sóng phản đối từ công nhân, những người lo sợ rằng sức khỏe và tính mạng của họ đang bị hy sinh để giữ cho bộ máy công nghiệp Italy tiếp tục hoạt động.
"Đây là một sai lầm lớn. Giữ nhà máy mở cửa không giúp giải quyết tình hình mà chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn", Giambattista Morali, đại diện công đoàn thợ kim khí tại thị trấn Dalmine, Bergamo, nói.
Cuối cùng, tất cả các hoạt động sản xuất, ngoại trừ sản xuất thiết yếu, phải ngừng hoạt động vào ngày 26/3. Chủ tịch Confindustria Carlo Bonomi vẫn tiếp tục kêu gọi mở cửa trở lại ngành công nghiệp nhưng phải theo cách an toàn nhất.
Đây thực sự là một thách thức bởi Lombardy vẫn ghi nhận trung bình 950 ca nhiễm mới mỗi ngày trong khi những khu vực khác chỉ báo cáo thêm từ vài chục đến 500 ca. Hầu hết các ca nhiễm đều bắt nguồn từ viện dưỡng lão.
Italy dự kiến mở cửa dần trở lại, bắt đầu từ 4/5, nhờ việc nhiều nơi ở khu vực phía nam xa xôi đang kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên, Lombardy có lẽ sẽ là nơi cuối cùng được mở cửa hoàn toàn.
Dường như không có sáng kiến nào minh họa rõ hơn sự bối rối trong cách phản ứng với nCoV của Italy hơn việc xây dựng một bệnh viện dã chiến 200 giường trong chưa đầy hai tuần ở Milan.
Bệnh viện này được khai trương rầm rộ vào ngày 31/3 là kết quả của một chiến dịch quyên góp 23 triệu USD do Thống đốc Lombardy dẫn dắt nhằm làm giảm áp lực cho các phòng ICU tại địa phương.
Cơ quan bảo vệ dân sự quốc gia phản đối kế hoạch trên, cho rằng bệnh viện không thể có đủ máy thở và huy động kịp nhân sự. Thay vào đó, họ đề nghị thành lập những khu thăm khám nhỏ hơn bên ngoài các bệnh viện và đề xuất kế hoạch chuyển các bệnh nhân nặng tới khu riêng.
Cuối cùng, bệnh viện dã chiến Milan được sử dụng rất ít, chỉ điều trị cho vài chục bệnh nhân.
Thống đốc Fontana vẫn bảo vệ quyết định xây bệnh viện dã chiến và tuyên bố sẽ vẫn làm như vậy nếu được quyết định lại. "Chúng ta phải chuẩn bị một con đập trong trường hợp dịch bệnh tràn qua bờ kè", ông nói với đài phát thanh Radio 24.
Trong lúc chính quyền khu vực đang tập trung xây bệnh viện dã chiến và chật vật bổ sung số lượng giường ICU, khả năng xét nghiệm của Lombardy bị tụt lại và nhiều viện dưỡng lão bị rơi vào cảnh phải tự lo liệu.
nCoV đã cướp đi sinh mạng hàng trăm người cao tuổi ở Lombardy và trên khắp Italy. Một quan chức WHO gọi đây là "cuộc thảm sát" những người có nguy cơ cao nhất trước dịch bệnh.
Các công tố viên đang điều tra hàng chục viện dưỡng lão cũng như cách thức mà giới chức y tế địa phương và chính quyền khu vực đã thực hiện khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Lombardy có nhiều viện dưỡng lão nhất nước, chăm sóc ít nhất 24.000 người cao tuổi.
Một trong những quyết định được các công tố viên chú ý hơn cả là việc chính quyền khu vực ngày 8/3 cho phép đưa những bệnh nhân đang hồi phục Covid-19 tới viện dưỡng lão nhằm giải phóng giường tại bệnh viện. Nhà chức trách cho biết họ yêu cầu các viện dưỡng lão đảm bảo rằng bệnh nhân phải được cách ly nhưng không rõ ai chịu trách nhiệm cho việc này và ai là người kiểm tra.
Thậm chí trước đó, nhân viên tại một số viện dưỡng lão cho hay ban quản lý cấm họ dùng khẩu trang vì sợ sẽ khiến cư dân lo lắng.
Một sắc lệnh được chính quyền Lombardy đưa ra ngày 30/3 yêu cầu giám đốc các viện dưỡng lão không cho người trên 75 tuổi nhập viện nếu họ có những vấn đề khác về sức khỏe. Theo sắc lệnh, cách làm này sẽ giúp giảm rủi ro lây nhiễm trong quá trình di chuyển và bệnh nhân cũng không phải chờ đợi quá lâu tại phòng cấp cứu bệnh viện.
Với những người cao tuổi tại một viện dưỡng lão ở Nembro, một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh Bergamo, sắc lệnh trên chính là án tử. Nhưng đây không phải thứ duy nhất khiến các quản lý viện dưỡng lão cảm thấy họ đang bị bỏ rơi.
Khi ban quản lý chủ động cấm khách tới thăm viếng viện dưỡng lão vào ngày 24/2 nhằm bảo vệ cư dân và đội ngũ nhân viên, giới chức y tế địa phương đã phản ứng bằng cách đe dọa trừng phạt, Valerio Poloni, giám đốc mới của viện dưỡng lão ở Nembro, cho hay.
Sau cùng, tính đến cuối tháng ba, 37 trên 87 thành viên viện dưỡng lão đã qua đời vì nCoV. Một số bác sĩ và cả người tiền nhiệm của Poloni cũng dương tính với nCoV. Họ được nhập viện nhưng không qua khỏi. Một cư dân viện dưỡng lão còn không thể nhập viện hồi cuối tháng hai vì phòng cấp cứu quá tải.
Barbara Codalli, giám đốc phụ trách y tế tại cơ sở này, cho biết bà được yêu cầu sử dụng các nguồn lực có sẵn để điều trị cho người ốm. "Bệnh nhân trở về sau vài tiếng từ bệnh viện và qua đời vài ngày sau đó", bà nói với kênh La7.
Đến nay, chưa người nào còn sống sót tại viện dưỡng lão do Poloni quản lý được xét nghiệm nCoV. Ông cho hay quá trình xét nghiệm dự kiến bắt đầu trong vài ngày nữa. Đến nay, có thêm hai người nữa qua đời nhưng tình hình dường như đã được kiểm soát.
"Chúng tôi đang yên ắng trở lại", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo AP)