Tôi năm nay 29 tuổi, lúc trước tôi bỏ dở đại học sau đó đi nước ngoài du học 5 năm. Khi về nước lập gia đình luôn và đang ở riêng cùng vợ và một con nhỏ. Gia đình bố mẹ hai bên thuộc dạng trung bình. Gọi là bố mẹ khéo vun vén thì vẫn đủ ăn.
Tôi không có tư tưởng nhờ vả ai xin việc nên tất cả các công việc tôi từng trải qua đều là do bản thân tự ứng tuyển hay tự khởi nghiệp. Đến thời điểm hiện tại tôi cũng đã làm khoảng năm công việc, một dự án khởi nghiệp về ẩm thực.
Tất cả tôi đều đánh giá mức độ thành công ở mức trung bình. Tôi luôn cố gắng làm được nhiều việc nhất có thể nên có thời điểm tôi làm hai việc một lúc, nhưng kết quả nhận về không được là bao. Lý do không thành công từ bản thân cũng có mà từ khách quan cũng có.
Mỗi lần thất bại tôi đều rút ra một kinh nghiệm, chưa biết đã đủ chưa hay đúng sai thế nào. Chỉ xin chia sẻ với các bạn đôi điều, biết đâu đấy lại giúp ích cho những người trẻ đang chơi vơi trong sự nghiệp:
1. Hãy tìm hiểu thật kỹ một công ty, tổ chức nào đó khi nộp đơn xin việc
Bạn hãy tìm hiểu đầu tiên là giám đốc, hoặc trưởng phòng hoặc người trực tiếp sẽ quản lý mình trong công việc đó. Tìm hiểu kỹ về nội dung công việc, và tính chất của công việc đó. Đôi khi bạn cảm thấy công việc đó phù hợp nhưng sẽ có các tác nhân cản trở sự nghiệp của bạn như cấp trên, đồng nghiệp, hay tính chất của công việc đó chưa chắc đã phù hợp với mình.
Tôi thấy nhiều người luôn đánh giá mình cao hơn những gì họ đang có, đòi một mức lương cao, nhiều chế độ, đãi ngộ... nhưng kèm theo những thứ đó công ty sẽ yêu cầu bạn nhiều hơn.
Bạn cứ phải hiểu rằng công ty họ trả bạn một đồng tiền lương thì bạn phải làm được hai đồng. Nếu bạn chỉ làm được một đồng hoặc dưới một đồng thì bạn sẽ được nhận quyết định thôi việc sớm thôi.
2. Đừng đứng núi này trông núi nọ
Tôi từng có một thời điểm như vậy, khi đang làm một công việc mà thấy những người xung quanh có một sự nghiệp tốt, kiếm được nhiều tiền thì bản thân có một suy nghĩ nếu cũng làm như họ, mình cũng có thể làm giàu được.
Vấn đề là mỗi cá nhân sẽ có một hoàn cảnh khác nhau. Về học thức, kinh nghiệm sống, mối quan hệ xã hội, gia đình, kinh tế... Bạn không thể giống họ nếu làm đúng như những gì họ làm. Tự đánh giá lại bản thân xem mình mạnh điểm gì, yếu điểm gì qua đó là lên kế hoạch kỹ cho sự nghiệp, công việc của bạn.
3. Luôn tính phương án rủi ro trong công việc
Tôi luôn trích một phần lương hàng tháng để vào một quỹ rủi ro. Quỹ này dùng để ứng phó khi bệnh tật, hoạn nạn. Ví dụ ngay nhưng đợt dịch Covid- 19 vừa qua, gia đình nhỏ của tôi có lao đao. Việc kinh doanh đồ ăn của tôi phải hủy bỏ do dịch bệnh. Không có thu nhập nhưng gia đình tôi vẫn an toàn nhờ quỹ dự phòng nhỏ đấy.
Hiện tại tôi phải xoay ra làm một việc khác nhưng vẫn cố gắng xây dựng quỹ rủi ro dù hàng tháng không được bao nhiêu. Trong công việc cũng vậy, thời điểm hiện tại tôi luôn cố gắng làm song song hai việc. Một việc chính chiếm toàn thời gian, một việc phụ chiếm ít thời gian hơn vì thời điểm hiện tại không dám chắc điều gì. Biết đâu công ty tôi đang làm sa thải nhân viên hay phá sản thì sao? Vậy nên hãy tính đường lùi khi thất bại. Cố gắng đừng để mình trắng tay.
4. Hãy cẩn thận với tâm lý đám đông
Tôi không phủ nhận suy nghĩ của đám đông là sai. Nhưng chưa chắc đã phù hợp với bạn. Tôi cũng từng nghe theo lời người khác và nhận quả đắng. Vậy nên cứ suy nghĩ khác đi một chút. Đừng quá dị biệt là được.
Ví dụ có một việc thế này. Vợ chồng tôi được ông bà nội cho một mảnh đất ở quê, trị giá khoảng một tỷ đồng. Ai cũng khuyên tôi bán đi rồi vay mượn thêm để mua nhà, chứ đi ở thuê mãi sao được. Tôi không có vấn đề gì khi đi thuê nhà ở. Hai vợ chồng và con vẫn vui vẻ, ngày nào cũng là tết mặc dù cũng chỉ ăn cơm rau. Mua được ngôi nhà nhưng phải đi vay rồi trả nợ dần dần thì không biết đến bao giờ có thể xong. 40 tuổi mới được cái nhà thì còn con cái đi học, cuộc sống hằng ngày ra sao?
Tôi vẫn sẽ bán mảnh đất đấy nhưng sẽ tính toán đầu tư kinh doanh để cố gắng sinh ra thêm một mảnh đất nữa.
5. Thuận vợ thuận chồng
Ai chưa lập gia đình thì hãy tìm hiểu kỹ về người bạn đời của mình. Tôi may mắn khi vợ tôi có nhiều quan điểm chung. Riêng về công việc tôi cũng thất bại nhiều nhưng vợ chưa bao giờ trách móc khi thiếu tiền hay trì triết. Mỗi lần động viên tôi lại thấy nhẹ nhõm hơn.
Có việc gì hai vợ chồng tôi đều bàn bạc với nhau. Tính toán thiệt hơn rồi mới làm. Mang ra bàn bạc cũng bình đẳng hơn, khi thành công hay thất bại mà có người sẻ chia thì còn gì bằng. Thời điểm hiện tại tôi đang thai nghén một dự án mới. Dự án này liên quan đến công việc hiện tại của tôi đang làm. Đối với tôi, bản chất của dự án này không mới với công việc hiện tại nhưng cách làm thì lại chưa có ai từng làm. Tôi vẫn đang suy tính, tìm hiểu. Hy vọng lần này sẽ thành công hay lại là một bài học mới.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.