Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 18/3 kết luận vaccine Covid-19 của AstraZeneca an toàn và hiệu quả sau khi nhiều quốc gia báo cáo tình trạng đông máu.
Song các chuyên gia cho rằng động thái này đã muộn, việc ngừng sử dụng trước đó khiến nhiều người lung lay lòng tin đối với vaccine AstraZeneca. Trong những tuần gần đây, hầu như toàn bộ Tây Âu đã đình chỉ tiêm chủng, ngay khi làn sóng Covid-19 thứ ba manh nha kéo đến. Ngay từ đầu, động thái này bị các chuyên gia y tế công cộng chỉ trích.
Trong khi Anh đã tiêm được hơn 11 triệu liều vaccine, các nhà lãnh đạo EU đối mặt với câu hỏi làm thế nào để xây dựng lại niềm tin vào AstraZeneca đã mất trong vài tuần qua.
Một cuộc thăm dò của tờ Elabe trong tuần này cho thấy chỉ 22% dân số Pháp tin dùng vaccine AstraZeneca.
Remi Salomon, thành viên cấp cao của một bệnh viện nước này, cho biết: "Mọi người đang cẩn trọng quá mức". Ông sợ rằng cộng đồng sẽ hiểu sai lệch về quyết định đình chỉ sử dụng vaccine.
Michael Head, chuyên gia nghiên cứu về Y tế toàn cầu tại Đại học Southampton, Anh, cho biết thêm: "Nỗi sợ hãi kiểu này có thể khiến họ do dự với vaccine. Cần phải thật nhanh chóng triển khai lại việc tiêm chủng".
Chương trình tiêm vaccine AstraZeneca trên toàn lục địa gặp vô vàn trắc trở. Một số nước nghi ngờ về tác dụng của nó với người cao tuổi. Chuyên gia sau đó kết luận vaccine đủ hiệu quả. EU cũng phải giành giật nguồn cung hạn chế khi AstraZeneca cho biết không thể cung cấp đủ lượng hàng đã cam kết trước đó. Italy chặn xuất khẩu sang Australia vài ngày trước khi ngừng tiêm chủng.
Giờ đây, giới chức y tế châu Âu nỗ lực tiêm chủng để bù đắp thời gian đã mất.
"Chúng ta phải tiêm vaccine càng nhanh càng tốt", Michel Chassang, bác sĩ đa khoa người Pháp, chủ tịch Liên đoàn Y tế Pháp, chia sẻ. "Cách duy nhất để ngăn chặn virus lây lan là đảm bảo tất cả mọi người được tiêm chủng".
"Điều này sẽ không dễ dàng chút nào. Chúng tôi phải lội ngược dòng, vì vaccine này đã bị mang tiếng xấu kể từ khi bắt đầu triển khai", ông thừa nhận.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson sẽ tiêm vaccine AstraZeneca ngày 19/3. Phát biểu tại cuộc họp giao ban về Covid-19, ông cho rằng phán quyết của EMA là "rất quan trọng đối với các nước láng giềng châu Âu".
"Vaccine Oxford (AstraZeneca) an toàn, vaccine Pfizer an toàn, thứ duy nhất nguy hiểm là Covid-19. Mọi người nên tiếp tục tiêm chủng khi đến lượt", ông nói.
Dữ liệu thực tế từ Anh cho thấy một liều vaccine giảm hơn 80% nguy cơ nhập viện do Covid-19 ở người trên 80 tuổi. Tiến sĩ Sabine Straus, chủ tịch Ủy ban Đánh giá Rủi ro Dược Phẩm của EMA (PRAC), cũng khẳng định vaccine không gây đông máu.
Thực tế, trong hơn 10 quốc gia ngừng sử dụng vaccine, các trường hợp đông máu rất hiếm. Có 7 người bị máu đông trong mạch (đông máu nội mạch lan tỏa) và 18 người có cục máu đông trong não (CVST). Tổng số ca đông máu trước, trong và sau tiêm chủng là 469, trong đó 191 trường hợp xảy ra ở EU. Theo EMA, con số này thậm chí thấp hơn ước tính chung.
Cơ quan lưu ý có "rất ít trường hợp bị đồng thời đông máu và giảm tiểu cầu" sau tiêm chủng. Những ca này hầu hết xảy ra ở phụ nữ dưới 55 tuổi. Chuyên gia y tế đồng tình rằng tình trạng này hiếm gặp, nhiều người đã bày tỏ ngạc nhiên khi các nước EU ngừng tiêm vaccine.
Jon Gibbins, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tim mạch và Chuyển hóa tại Đại học Reading, cho biết: "Các con số thống kê rất nhỏ, không cao hơn mặt bằng chung dân số. Khi bắt đầu tiêm chủng cho hàng triệu người, không thể tránh khỏi điều này xảy ra. Nhưng nó không có nghĩa vaccine gây ra đông máu".
Thục Linh (Theo CNN)