Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên sau khi một số tỉnh Đông Nam Bộ ghi nhận các ổ dịch bệnh dại, trong đó có ca tử vong. Theo bác sĩ, thời gian ủ bệnh của virus dại có thể khoảng 10 ngày hoặc kéo dài đến nhiều năm phụ thuộc vào vị trí cắn và độ nặng của vết thương. Khi bị chó mèo cắn, có ba vị trí khiến virus dại tấn công nhanh hơn, thời gian ủ bệnh ngắn, cần lưu ý để kịp thời xử trí và tiêm phòng.
Đầu và cổ
Virus dại xâm nhập cơ thể thông qua vết cắn, di chuyển theo dây thần kinh tới tủy sống và não bộ, tốc độ khoảng 12-24 mm mỗi ngày. Khi virus xâm nhập vào não bộ, lúc này người bệnh sẽ có các triệu chứng của bệnh dại như mệt mỏi, đau đầu kéo dài, sợ nước, không chịu được tiếng ồn, ánh sáng, lo lắng, dễ nóng giận. Tỷ lệ tử vong khi đã lên cơn dại gần 100%.
Do đó, chó, mèo tấn công vào đầu và cổ sẽ nguy hiểm hơn các bộ phận khác. Trẻ em là nhóm dễ có vết thương ở vùng này do tầm vóc nhỏ bé và chưa có ý thức phòng bệnh khi chơi đùa với động vật. Người thường xuyên ôm, hôn thú cưng cũng có nguy cơ cao bị vết thương ở vùng này.
Đầu ngón tay, ngón chân
Các vết thương ở bàn tay thường xuất hiện khi cho ăn hoặc bắt đầu làm quen với động vật. Đầu ngón tay, ngón chân tập trung đầu mút thần kinh. Nếu bị tấn công vào các vị trí này, virus sẽ dễ dàng di chuyển dọc theo dây thần kinh và lên đến não, gây bệnh nhanh hơn.
Bộ phận sinh dục
Chấn thương bộ phận sinh dục do động vật cắn khá hiếm, song có thể gây chấn thương nặng ảnh hưởng chức năng sinh sản, nhiễm dại và nhiễm trùng nặng. Một nghiên cứu công bố năm 2022 của các nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy tỷ lệ nhiễm trùng vết thương do động vật tấn công bộ phận sinh dục thường ở mức cao, dao động từ 6-29%.
Xử trí vết thương thế nào?
Theo Cục Y tế dự phòng, các vết thương ở vùng đầu mặt cổ, đầu ngón tay, ngón chân dù nhỏ, hoặc chỉ xây xước nhẹ cũng cần được hỗ trợ y tế và tiêm ngừa càng sớm càng tốt.
Trường hợp bị chó mèo cắn, cào hoặc liếm lên vết thương hở, vết xước nhẹ, ở xa đầu mút thần kinh cũng không nên chủ quan. Người bị cắn cần đi tiêm phòng càng sớm càng tốt do virus dại vẫn xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Với mọi vết thương nghi dại, bác sĩ Phong khuyến cáo người dân bình tĩnh và thực hiện quy trình xử trí đúng cách. Nếu gặp con vật đang giận dữ, người dân cần tránh xa, không đánh trả hoặc cố gắng giết con vật vì có thể khiến chúng tấn công mạnh hơn. Tiếp theo, cần rửa vết thương dưới vòi nước sạch với xà phòng trong 15 phút, sau đó tiếp tục rửa vết thương với cồn i-ốt hoặc cồn 70 độ. Cuối cùng, người dân di chuyển đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn chủng ngừa dại.
Người bị chó, mèo cắn không nặn máu, băng kín vết thương, đắp lá hay các loại thuốc không rõ nguồn gốc lên vết chó mèo cắn, cào vì có thể khiến virus dại đi vào cơ thể nhanh hơn.
Phác đồ dành cho người lần đầu tiên ngừa dại gồm 5 mũi. Những lần bị cắn, cào sau đó bổ sung 2 mũi. Tùy vào tình trạng và vị trí vết thương, bác sĩ có thể tư vấn tiêm ngừa huyết thanh kháng dại và uốn ván.
Ngoài ra, vaccine có thể tiêm dự phòng trước khi bị cắn, cào, giúp bảo vệ người thường xuyên tiếp xúc với động vật, di chuyển đến các vùng sâu, xa khó tiếp cận y tế khi bị thương. Phác đồ gồm 3 mũi, giúp giảm số mũi khi có vết thương và không cần huyết thanh.
Để tránh động vật tấn công trẻ nhỏ, phụ huynh cần theo sát con em trong quá trình chơi đùa, giáo dục trẻ ý thức phòng bệnh như giữ khoảng cách, không đánh chó mèo, khi có vết thương cần thông báo ngay với phụ huynh.
Nhật Linh
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.