Quân đội Azerbaijan ngày 19/9 mở "chiến dịch chống khủng bố" nhắm vào lực lượng ly khai thân Armenia tại Nagorno-Karabakh. Một ngày sau, phe ly khai ký thỏa thuận ngừng bắn, chấp nhận buông vũ khí và giải tán lực lượng sau ba thập kỷ kiểm soát vùng đất này.
Khu vực Nagorno-Karabak ở Nam Kavkaz từ lâu đã trở thành điểm nóng xung đột trong quan hệ Armenia - Azerbaijan. Lãnh thổ này được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, song phần lớn khu vực do người Armenia kiểm soát.
Azerbaijan và Armenia ngày nay nằm trên khu vực chứng kiến nhiều biến động suốt hàng thế kỷ, với ảnh hưởng lớn từ Đế quốc Nga, Đế chế Ottoman và Ba Tư. Sau Thế chiến I, hai cộng đồng tìm cách thành lập nhà nước riêng, với Nga hậu thuẫn Armenia, còn Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan.
Nagorno-Karabakh trở thành tâm điểm căng thẳng, bởi khu vực nhiều đồi núi này là nơi có nhiều người gốc Armenia sinh sống xen kẽ người gốc Azerbaijan. Hai quốc gia đều coi Nagorno-Karabakh là nơi khởi nguồn cho lịch sử và bản sắc của họ.
Năm 1921, Azerbaijan và Armenia trở thành một phần của Liên Xô. Lãnh đạo Josef Stalin ban đầu cho phép Azerbaijan kiểm soát Nagorno-Karabakh, song vào năm 1923, ông biến nó thành khu tự trị với dân số hơn 90% là người Armenia.
Cuối những năm 1980, khi ảnh hưởng của Liên Xô suy giảm, Nagorno-Karabakh bỏ phiếu từ bỏ quy chế tự trị để trở thành một phần của Armenia. Azerbaijan tìm cách ngăn cản phong trào ly khai này, dẫn tới mâu thuẫn sắc tộc bùng nổ với Armenia. Sau khi hai nước tuyên bố độc lập khỏi Nga vào đầu những năm 1990, cuộc xung đột toàn diện đầu tiên nổ ra khiến hơn 30.000 người thiệt mạng.
Giao tranh kết thúc với lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian vào năm 1994, sau khi lực lượng Armenia kiểm soát Nagorno-Karabakh và các khu vực lân cận. Theo thỏa thuận, Nagorno-Karabakh vẫn là một phần của Azerbaijan, nhưng do lực lượng ly khai người Armenia lãnh đạo và được chính phủ Armenia hậu thuẫn.
Nhưng thỏa thuận này không dập tắt được mâu thuẫn âm ỉ giữa Azerbaijan và Armenia, với các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa hai bên tại Nagorno-Karabakh. Năm 2020, khu vực chứng kiến cuộc đối đầu quân sự lớn nhất kể từ đầu những năm 1990 với 6 tuần giao tranh ác liệt, khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Trong cuộc chiến này, với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội Azerbaijan đã giành được nhiều lợi thế trước Armenia. Máy bay không người lái (UAV) Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được cho là đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tấn công của Azerbaijan.
Trong khi đó, Armenia nhận được sự ủng hộ từ Nga. Moskva có một căn cứ quân sự ở Armenia và cả hai đều là thành viên của liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) của 6 nước từng thuộc Liên Xô.
Theo thỏa thuận ngừng bắn hòa bình do Nga làm trung gian vào tháng 11/2020, Azerbaijan đã giành lại toàn bộ lãnh thổ xung quanh Nagorno-Karabakh do Armenia kiểm soát từ năm 1994. Lực lượng Armenia phải rút khỏi khu vực và phe ly khai chỉ còn giữ một phần nhỏ hơn của Nagorno-Karabakh.
Nga điều khoảng 2.000 lính gìn giữ hòa bình đến Nagorno-Karabakh để giám sát thỏa thuận ngừng bắn.
Tuy nhiên, căng thẳng khu vực lại tiếp tục bùng lên trong nhiều tháng trước khi Nga bắt đầu chiến dịch ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Tới tháng 12/2022, Azerbaijan phong tỏa hành lang Lachin, tuyến đường tiếp tế quan trọng nối Nagorno-Karabakh với Armenia, làm dấy lo ngại về đợt xung đột bạo lực mới.
Hành lang Lachin là huyết mạch quan trọng duy nhất để Armenia đảm bảo nguồn cung thiết yếu cho 120.000 người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh.
Cư dân Nagorno-Karabakh đã phàn nàn về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thực phẩm và thuốc men trong những tháng gần đây, khi quân đội Azerbaijan siết chặt kiểm soát tuyến đường bộ này, với lý do Armenia sử dụng con đường để vận chuyển vật tư quân sự tới vùng ly khai.
Nhiều người từng hy vọng căng thẳng có thể giảm bớt khi xe cứu trợ của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế được phép vào Nagorno-Karabakh hồi giữa tháng 9 qua hành lang Lachin và đường Aghdam từ Azerbaijan. Song việc duy trì các tuyến đường này, đặc biệt là hành lang Lachin, phụ thuộc rất nhiều vào hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai trong khu vực từ năm 2020.
Sự quan tâm và nguồn lực quân sự của Moskva giờ đây bị phân tán bởi cuộc chiến ở Ukraine. Thủ tướng Armenia gần đây nói rằng Nga đang "rời bỏ khu vực".
Mối quan hệ giữa Nga và Armenia cũng xấu đi từ khi Nikol Pashinyan, người có xu hướng ngả về phương Tây, trở thành Thủ tướng Armenia. Ông gần đây nói rằng việc Armenia phụ thuộc vào an ninh Nga là "sai lầm chiến lược".
Armenia tháng này tuyên bố sẽ tổ chức tập trận chung với lực lượng Mỹ, điều bị Moskva chỉ trích là "bước đi không thân thiện". Tổng thống Vladimir Putin phủ nhận thông tin Armenia cắt quan hệ liên minh với Nga, song tuyên bố Yerevan "về cơ bản đã công nhận" chủ quyền của Azerbaijan đối với Nagorno-Karabakh.
"Chúng tôi nên làm gì khi chính Armenia công nhận rằng Karabakh là của Azerbaijan", ông nói trong sự kiện quốc tế ở Vladivostok tháng này.
Khi Azerbaijan mở chiến dịch "chống khủng bố" ngày 19/9, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã không có bất cứ hành động can thiệp nào nhằm ngăn cản lính Azerbaijan, mà chủ yếu tập trung vào nỗ lực sơ tán dân thường khỏi khu vực giao tranh.
Thủ tướng Pashinyan cho rằng việc Nga không thể đảm bảo an ninh đã khiến nguy cơ người Armenia phải rời khỏi Nagorno-Karabakh ngày càng tăng, đồng thời cảnh báo nguy cơ về một cuộc "thanh lọc sắc tộc" sau khi Azerbaijan kiểm soát khu vực này.
"Nếu không có điều kiện và cơ chế bảo vệ thích hợp nhằm chống lại tình trạng 'thanh lọc sắc tộc' đối với người Armenia ở Nagorno-Karabakh, khả năng ngày càng cao là họ sẽ phải di tản như cách duy nhất để bảo toàn mạng sống và bản sắc", ông nói.
Azerbaijan bác cáo buộc, nhấn mạnh muốn quá trình tái sáp nhập Nagorno-Karabakh diễn ra suôn sẻ. Nước này khẳng định sẽ đảm bảo "lối đi an toàn" cho các chiến binh ly khai và người dân muốn rời khỏi Nagorno-Karabakh.
Thanh Tâm (Theo BBC, Washington Post)