Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Mỹ không có lợi ích khi ở lại Afghanistan, dù đã đầu tư hàng tỷ USD cho quân đội chính phủ để giúp họ có lợi thế trước phiến quân Taliban. "Thực tế chúng ta đã thấy họ không thể bảo vệ đất nước, điều đó diễn ra nhanh hơn dự kiến", ông nói trên truyền hình hôm nay, trong bối cảnh phiến quân Taliban tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan.
"Chúng tôi đang làm việc để bảo đảm nhân viên được an toàn. Chúng tôi đã di chuyển nhân lực tại đại sứ quán Mỹ đến sân bay Kabul. Lực lượng quân sự đang được tăng cường để sơ tán quan chức Mỹ khỏi nước này một cách an toàn và có trật tự, trong khi vẫn duy trì sự hiện diện ngoại giao", Ngoại trưởng Blinken nói thêm.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thông báo đã chuyển trụ sở đại sứ quán đến sát sân bay Kabul, thêm rằng quân đội Pháp sẽ điều động lực lượng trong vài giờ tới để bắt đầu sơ tán nhân viên từ Afghanistan đến Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab bày tỏ lo ngại sâu sắc về tương lai của Afghanistan và kêu gọi phiến quân ngừng hành động bạo lực. "Tôi chia sẻ những lo ngại sâu sắc với Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi. Hai bên nhất trí rằng cộng đồng quốc tế cần đồng lòng yêu cầu Taliban chấm dứt bạo lực và bảo vệ nhân quyền", ông viết trên Twitter.
Đức, Hà Lan và Thụy Điển cũng thông báo đang sơ tán các nhà ngoại giao khỏi đại sứ quán. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh tổ chức này vẫn duy trì sự hiện diện ngoại giao ở Kabul và đang bảo đảm hoạt động của sân bay quốc tế Hamid Kazai.
Phát ngôn viên đại sứ quán Nga ở Kabul tuyên bố Moskva sẵn sàng hợp tác với chính quyền lâm thời Afghanistan và không có kế hoạch sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Kabul, cũng như Nga đang tham gia quá trình liên lạc chính trị tại Afghanistan.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga sau đó ra thông cáo khẳng định chưa công nhận phiến quân Taliban là lực lượng điều hành Afghanistan, đồng thời cho biết Tổng thống Ashraf Ghani ít có khả năng đến nước này sau khi rời Afghanistan.
Giáo hoàng Francis kêu gọi đối thoại để chấm dứt xung đột ở Afghanistan, nhằm giúp người dân sinh sống trong hòa bình và an ninh.
Chính phủ Nepal kêu gọi sơ tán khoảng 1.500 công dân làm nhiệm vụ bảo vệ các sứ quán hoặc làm việc cho các tổ chức cứu trợ ở Afghanistan. "Chúng tôi đã gửi thư đến các đại sứ quán và đề nghị họ hỗ trợ sơ tán công dân Nepal. Chính phủ đã thành lập ủy ban để xác định số lượng công dân đang làm việc ở Kabul và các khu vực lãnh thổ Afghanistan", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nepal Sewa Lamsal cho hay.
Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid hôm nay cho biết các tay súng được lệnh tiến vào thủ đô Kabul để ngăn tình trạng hôi của "do cảnh sát đã bỏ vị trí", đồng thời kêu gọi các quan chức chính phủ không rời nhiệm sở.
Abdullah Abdullah, người đứng đầu Hội đồng Hòa giải Quốc gia Afghanistan, xác nhận Tổng thống Ashraf Ghani đã rời đất nước nhưng chưa rõ đích đến.
Vũ Anh (Theo Reuters)