Đầu tháng 6, nhiều địa phương toàn quốc cảnh báo về tình hình dịch bệnh và điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Tại Hà Nội, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP cho biết kết quả giám sát một số khu vực ổ dịch cũ cho thấy chỉ số côn trùng như muỗi, bọ gậy truyền bệnh, cao vượt ngưỡng nguy cơ. TP ghi nhận trường hợp viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm tại huyện Phúc Thọ vào 16/6. Tại miền Nam, số ca bệnh sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm đang ở mức thấp, song Viện Pasteur TP HCM khuyến cáo các địa phương không chủ quan do mùa mưa đã đến, cảnh giác nguy cơ bùng dịch.
Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, đồng thuận với các đánh giá trên, nêu thêm Việt Nam có khí hậu nóng ẩm, địa hình nhiều sông ngòi, thuận lợi cho muỗi phát triển. Mùa mưa tại miền Nam và miền Tây hiện nay là cao điểm sinh sản của nhiều loại muỗi truyền bệnh dưới đây.
Muỗi Culex
Muỗi Culex là trung gian lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Con vật có kích thước trung bình và nhỏ (từ 4 đến 10 mm), màu nâu vàng.
Loài này sống ở khu vực ruộng đồng, chuồng trại. Ban ngày, muỗi đẻ trứng ngoài ruộng lúa, ban đêm hút máu ở chuồng gia súc và người dân trong nhà. Số lượng muỗi hoạt động ở chuồng gia súc cao hơn trong nhà. Do đó, vùng dịch tễ chính của bệnh viêm não Nhật Bản thường ở nông thôn hoặc vùng trồng lúa, nương rẫy, chuồng trại, bụi rậm, ẩm...
Tại Việt Nam, muỗi Culex sinh sản mạnh nhất từ tháng 3 đến tháng 7, 8. Con vật thường tấn công người vào lúc chập tối. Thời tiết mưa nhiều làm tăng khả năng sinh sôi và truyền bệnh của muỗi.
Viêm não Nhật Bản không có thuốc đặc trị, có thể gây nhiều biến chứng nặng với tỷ lệ tử vong đến 30%. Bệnh cũng để lại di chứng ảnh hưởng thần kinh, vận động suốt đời, như: giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Vì tính chất nghiêm trọng của bệnh, vaccine viêm não Nhật Bản được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Người dân có thể chọn tiêm chủng ở cơ sở y tế công lập hoặc tiêm dịch vụ nhằm tuân thủ lịch tiêm.
Vaccine tiêm cho trẻ từ 9 tháng và người lớn, hiệu quả phòng bệnh đến 95%, gián tiếp giảm nguy cơ nhập viện, chịu di chứng. Sau các mũi tiêm cơ bản, cần tiêm nhắc vaccine Jevax (Việt Nam) ba năm một lần. Loại Imojev (Thái Lan) có lịch tiêm hai mũi cho người từ 9 tháng đến 18 tuổi, người từ 18 tuổi chỉ cần một mũi. Loại JEEV tiêm cho người từ 9 tháng đến 49 tuổi, có lịch tiêm cơ bản gồm hai mũi, sau đó tiêm nhắc theo khuyến cáo tùy mỗi quốc gia.
Muỗi Aedes
Muỗi Aedes, còn gọi là muỗi "nhà vua" hoặc muỗi vằn, truyền bệnh sốt xuất huyết và sốt vàng. Thân muỗi có màu đen; vùng bụng, thân và chân có các khoang đen trắng; vùng ngực nhiều đốt trắng xếp thành hàng.
Muỗi vằn có khả năng sinh sản cao và tập tính sinh sống ở vùng nước sạch, thường tấn công người vào sáng sớm, chiều muộn. Hai bệnh phổ biến do muỗi Aedes truyền là sốt xuất huyết và sốt vàng.
Sốt xuất huyết có bốn nhóm huyết thanh gây bệnh, không tạo miễn dịch chéo giữa các nhóm huyết thanh. Do đó, một người có thể mắc bệnh bốn lần trong đời, những lần mắc sau sẽ nặng hơn. Bệnh có thể gây biến chứng tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu... Còn sốt vàng gây vàng da, vàng mắt, có thể biến chứng suy đa tạng, chảy máu tại miệng, mắt, tai và dạ dày.
Hiện các bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vaccine ngừa sốt xuất huyết được Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 5, dự kiến tháng 9 có mặt tại Việt Nam. Sốt vàng cũng có thể phòng ngừa nhờ vaccine, khuyến cáo tiêm cho người 9 tháng đến người lớn 60 tuổi và du lịch đến các vùng Nam Mỹ, Trung Mỹ và châu Phi...
Ngoài ra, để phòng muỗi sinh sôi, cơ quan chức năng thường xuyên khuyến cáo người dân xử lý vùng nước đọng ở bình hoa, chậu kiểng, lốp xe, các vật phế thải đọng nước...
Muỗi Anopheles
Muỗi Anopheles stephensi (muỗi rừng) là tác nhân gây bệnh sốt rét. Việt Nam có 15 loài Anopheles truyền bệnh, trong đó 3 loài truyền bệnh chính và 12 loài truyền bệnh phụ.
Sốt rét phát triển quanh năm, các tỉnh rừng núi phía Bắc có hai đỉnh bệnh vào đầu và cuối mùa mưa. Ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, bệnh phát triển trong suốt mùa mưa.
Hiện sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Bệnh tập trung ở Lai Châu, Bình Phước, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Ba năm gần đây, Khánh Hòa ghi nhận số ca mắc tăng cao. Khi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, sốt rét gây ra biến chứng nặng như thể sốt rét ác tính, 50% trường hợp tử vong.
Thế giới có một loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt là Mosquirix, do Hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) sản xuất, hiệu quả 50% chống sốt rét ác tính trong năm đầu. Vaccine này chưa được phê duyệt tại Việt Nam.
Bác sĩ Thuyết khuyến cáo, ngoài tiêm đầy đủ các loại vaccine, gia đình cần diệt muỗi, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh. Người dân đậy kín và chủ động cọ rửa bên trong các dụng cụ chứa nước ít nhất một lần mỗi tuần, loại bỏ vật phế thải gây đọng nước, lật úp các dụng cụ chứa nước. Cống rãnh cần khơi thông, bể nước nên thả cá để diệt bọ gậy, phát quang bụi rậm và mắc màn đi ngủ để muỗi không đốt.
Mộc Thảo