Theo tôi, giá nhà đất tăng do ba nguyên nhân tự nhiên sau:
Đầu tiên là sự thay đổi về cơ sở hạ tầng, giao thông: trước đây quận 2 cách quận 1 (TP HCM) con sông Sài Gòn, từ khi có hầm Thủ Thiêm thì giá nhà đất quận 2 tăng lên.
Con đường đất đỏ trước nhà tôi ở quê, mùa mưa thì sình lầy, mùa nắng thì khói bụi. Nay con đường được trải nhựa nóng sạch đẹp, giá đất tăng. Điều này là quy luật và hoàn toàn hợp lý.
Kế đến là sự gia tăng dân số cơ học: Sài Gòn và Hà Nội vẫn là những cực nam châm thu hút người lao động các nơi đỗ về sinh sống, học tập, làm việc và kinh doanh. Dân số ngày càng đông ở các đô thị lớn.
Ở các vùng quê thì dân số không thay đổi nhiều, có khi lại suy giảm. Vì thế giá nhà đất ở các khu đô thị đã đắt và ngày càng đắt hơn, đó là quy luật.
>> 'Đánh thuế để dẹp nạn mua đất, bỏ hoang, chờ lên giá'
Yếu tố tiếp theo là sự gia tăng tiền lương, lợi nhuận, thu nhập: cứ hỏi một người thuộc thế hệ 1960, 1970 xem cách đây 20 năm, lương bổng thời đó bao nhiêu rồi đem so sánh với hiện tại là chúng ta tính được tiền lương đã tăng lên bao nhiêu lần.
Tiền lương tăng, người mua có khả năng chi trả cao hơn làm giá nhà đất tăng, đây là quy luật. Tôi chỉ tổng kết được ba nguyên nhân này, nếu có thiếu sót mong mọi người bổ sung thêm.
Dân số đổ về sinh sống ngày càng đông, hạ tầng ngày càng cải thiện (các quận ngoại thành) và thu nhập thì đã tăng lên vài lần. Vậy nên giá nhà Sài Gòn tăng mấy chục lần cũng là bình thường. Hiểu được ba nguyên nhân này, chúng ta có thể giải thích được rất nhiều hiện tượng nhà đất một cách nhất quán, đúng đắn không méo mó. Một số hệ quả chẳng hạn như:
1. Giá nhà đất các nơi sẽ tiếp tục tăng chừng nào ba yếu tố trên còn có sự cải thiện, phát triển. Khi các yếu tố trên mất đi động lực tăng trưởng, giá nhà đất cũng sẽ diễn biến tương tự.
2. Không cần đủ ba yếu tố, chỉ một yếu tố thôi đã thúc đẩy giá nhà đất tăng ở đâu đó rồi.
3. Giá vùng ven Sài Gòn sẽ tăng nhanh hơn trung tâm. Vì vùng ven được hưởng lợi bởi 2 yếu tố là sự phát triển hạ tầng và gia tăng dân số cơ học. Còn trung tâm thì hạ tầng của nó có vẻ đã ổn định, hoặc có thay đổi thì cũng không mạnh mẽ bằng vùng ven.
4. Thu nhập của bạn phải tăng và nhanh hơn thu nhập của số đông. Bạn nghĩ thử xem: người dân đổ xô về Sài Gòn ngày càng đông, trong khi thu nhập của bạn lại không tăng nhanh bằng thu nhập của mặt bằng chung thì hy vọng nào để bạn mua được nhà đất đây?
5. Giá đất ở vùng nông thôn, thậm chí đồi núi vẫn tăng vì hạ tầng nông thôn được cải thiện dần dần (nông thôn mới), đồng thời tiềm ẩn sự dịch chuyển ngược từ đô thị về vùng quê của một bộ phận người dân muốn tìm về vui thú điền viên, mà nhóm này lại có thu nhập tốt.
>> Tôi ủng hộ thu thuế BĐS thứ hai dù có 5 căn nhà
6. Sự tăng giá cục bộ: ví dụ một khu vực A chưa phát triển lắm, nay có công ty may mặc về mở xưởng và tuyển dụng 5.000 công nhân. Sự gia tăng dân số cơ học là cực kỳ mạnh mẽ, giá đất xung quanh xưởng của công ty đó nếu có tăng giá vài lần là hết sức bình thường. Đất càng gần cổng ra vào của công ty thì càng ngon và tăng càng mạnh. Nhưng đó là cục bộ, còn một mảnh đất cách công ty đó 5km thì không thay đổi nhiều bằng.
7. Phân biệt sốt thật và sốt ảo. Một khu vực nào đó mà ba yếu tố trên vẫn phát triển với tốc độ bình thường nhưng giá tăng quá nhanh là do cò đất thổi giá, làm trò. Vì thế khi ai đó nói: "đất đai ở chỗ X đang sốt".
Bạn cứ bình tĩnh mà hỏi lại: "Sốt vì nguyên nhân gì vậy anh?" rồi lắng nghe thật kỹ câu trả lời. Nếu họ trả lời chung chung, thiếu vắng ba yếu tố trên là bạn hiểu câu chuyện như thế nào rồi đấy.
Qui Nguyễn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.