Giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế. Ở đâu giao thông thuận tiện, thông thoáng thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển do đó một đất nước giàu mạnh thì không thể thiếu hệ thống giao thông thông suốt. Ở cấp độ vĩ mô, chúng ta cần xây dựng hệ thống đường cao tốc, phát triển các tuyến đường vận tải quốc gia. Ở mức độ vi mô, nhiệm vụ quan trọng nhất là giảm ùn tắc tại các khu vực đô thị, giúp nâng cao hiệu quả công việc khi giảm thời gian lãng phí trên đường.
Theo góc nhìn của tôi, giảm ùn tắc tại đô thị ở Việt Nam hiện nay có thể thực hiện được khi coi giao thông như một dòng chảy. Để nâng cao chất lượng dòng chảy đó có thể thực hiện theo một số nguyên tắc sau:
Thứ nhất, giảm xung đột "trực diện" ở các nút giao. Khi hệ thống cầu vượt, hầm chui chưa có điều kiện xây dựng thì ta có thể giảm bớt số lượng xe cần qua giao lộ bằng cách bổ sung các nút quay đầu trước nút giao. Hạn chế rẽ trái ở các nút giao nếu thực sự không có phương án khác. Sắp xếp giao thông hợp lý để giảm bớt sự xung đột giữa các hướng.
Thứ hai, đẩy nhanh sự thoát xe ra khỏi giao lộ. Bởi việc giảm lưu lượng xe tại vùng "van" này cũng sẽ giúp các hướng khác giảm ùn tắc. Giải pháp với các hướng không có xung đột "trực diện" thì cho phép di chuyển liên tục. Ví dụ ở ngã ba thì hướng không giao cắt trực diện cho phép di chuyển liên tục, hay ở ngã tư cho phép rẽ phải liên tục với đường lớn, còn với đường nhỏ cần tạo một vùng di chuyển liên tục (vạch mắt võng) đủ một thân xe máy, dài khoảng 100 mét trước ngã tư, nhằm tạo điều kiện thoát bớt xe máy trước giao lộ...
>> Ôtô xếp hàng ngăn nắp khi cao tốc tắc 10 km
Thứ ba, chú ý tới sự cân bằng lưu lượng vào và ra tại các vùng giao cắt. Nếu lưu lượng vào lớn hơn thì chắc chắn sẽ sinh ra ùn ứ, từ đó dẫn tới tắc đường, một điểm thường hay thấy là tại các điểm qua cầu trên cao khi có sự xuất hiện của biển hạn chế tốc độ, do đó chỉ đặt biển hạn chế tốc độ khi thực sự cần thiết với các cây cầu. Cân đối diện tích giữa các làn tách, nhập tại các các nút giao, ưu tiên di chuyển cho các hướng có mật độ phương tiện lớn.
Vận dụng nguyên tắc đầu tiên vào giải quyết bài toán ùn tắc tại nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi (Hà Nội), tôi lấy ví dụ như sau: Bỏ hệ thống đèn giao thông nhằm tăng tối đa thời gian di chuyển của các phương tiện trên đường, đi kèm với sự điều chỉnh giao thông tổng thể như hình vẽ (bịt ngã tư tại hướng đi thẳng theo Nguyễn Trãi bởi đã có hầm chui Thanh Xuân) nhằm giảm thiểu sự xung đột giao thông giữa các hướng. Đồng thời, điều chỉnh lại hệ thống biển báo ở nút giao này, theo hướng dễ hiểu, dễ nhận biết hơn.
![Đề xuất điều chỉnh giao thông tại nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/01/30/a-1738202590-9080-1738202927.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PsnQBrGgSbqjIuQdft97TQ)
Đề xuất điều chỉnh giao thông tại nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi.
Điểm cuối, với mỗi nút giao khác nhau cần có sự vận dụng khác nhau phụ thuộc vào điều kiện thực địa. Cán bộ sắp xếp qui hoạch tại từng nút cần tự điều khiển các loại phương tiện khác nhau (xe máy, ô tô, đi xe bus...) qua nút giao theo các khung giờ khác nhau, kết hợp với các biện pháp thống kê, theo dõi để kịp thời điều chỉnh cho hợp lý.
- Ba nhóm người ở ngã tư tắc cứng
- Vòng luẩn quẩn 'kẹt xe, đường bé nên phải leo vỉa hè'
- Trái đắng khi luồn lách ôtô vào đường nhỏ để né tắc đường
- 'Chẳng biết nên đi hay dừng khi TP HCM bỏ đếm giây trên đèn giao thông'
- Lay lắt chống tắc đường vì tư duy 'xe máy chiếm diện tích nhỏ'
- Hà Nội, TP HCM ùn tắc vì làn đường xe máy nhỏ