Giáo dư Paul Young, hiệu trưởng Trường hóa học và sinh hóa phân tử của Đại học Queensland, thông báo đột phá trên và cho biết nhóm nghiên cứu gồm 20 thành viên của ông đã làm việc miệt mài ngày đêm để đẩy nhanh quá trình. Họ nhận dạng và nhân lên một protein quan trọng, thành phần chủ chốt của vaccine, chỉ trong ba tuần.
"Chúng tôi vẫn tiến hành thử nghiệm rộng để đảm bảo vaccine này an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch hiệu quả, nhưng công nghệ và nỗ lực của các nhà nghiên cứu đã giúp vượt qua trở ngại đầu tiên", Peter Hoj, phó hiệu trưởng Đại học Queensland, chia sẻ.
Theo Young, dự án bắt đầu khi Trung Quốc công bố trình tự gene của nCoV hồi cuối tháng 1. Dù có thể mất 18 tháng trước khi vaccine sẵn sàng để phân phối, Young khẳng định có thể rút ngắn thời gian thực hiện quá trình nếu đảm bảo được tính an toàn của các thử nghiệm lâm sàng. Ngân sách cho nghiên cứu đến từ Liên minh sáng kiến đối phó bệnh dịch (CEPI). Nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ mang tên "kẹp phân tử" để tạo ra protein giúp hệ miễn dịch nhận biết vaccine tốt hơn.
"Chúng tôi đã sử dụng công nghệ này để sản xuất vaccine cho một số virus nguy hiển nhất thế giới như Ebola, MERS và nipah. Nhưng công nghệ cũng được thiết kế để phản ứng nhanh với virus giới nghiên cứu chưa biết rõ. Chúng tôi đang hợp tác với một số viện nghiên cứu hàng đầu Australia nhằm giảm thời gian phát triển vaccine từ vài năm xuống vài tuần", tiến sĩ Keith Chappell, giáo sư khoa Hóa học và Sinh hóa phân tử của Đại học Queensland, nói.
Hôm 22/2, nhóm nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cũng công bố thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 trên động vật. Khi tiêm kháng nguyên nCoV, cơ thể chuột đã đáp ứng miễn dịch tốt, sinh ra kháng thể. Nhóm này đang cùng với Trung tâm Kiếm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh, bệnh viện Đại học Chiết Giang để phát triển các loại vaccine điều trị Covid-19 như vaccine giảm hoạt tính virus, vaccine protein tái tổ hợp, vaccine adenovirus tái tổ hợp, vaccine mRNA.
An Khang (Theo Independent)