EBV thuộc họ herpes, là một trong những mầm bệnh phổ biến lây nhiễm trên người, không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Virus thường xâm nhập cơ thể trẻ nhỏ và ngủ im trong tế bào B (chủ chốt ngăn bệnh truyền nhiễm của cơ thể) suốt đời. EBV gây bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (IM), còn gọi là "bệnh hôn" do có đường lây chủ yếu qua nước bọt.
Ở thể cấp, IM thường lành tính. Ở thể mạn tính, "bệnh hôn" là yếu tố nguy cơ gây bệnh đa xơ cứng (MS) và ung thư hạch Hodgkin. Virus cũng liên quan đến ung thư bạch huyết và biểu mô, chiếm khoảng 1,5% tổng số ca mắc ung thư do EBV trên toàn thế giới; nhiễm trùng tai và tiêu chảy ở trẻ em.
Trước đây, nghiên cứu vaccine ngừa EBV rất khó khăn. Nhiều công thức vaccine khác nhau đã được thử nghiệm trên động vật hoặc trên người, tuy nhiên không có loại nào hiệu quả ngăn nhiễm virus và đến nay chưa có "thuốc" chủng ngừa được phê duyệt. Thách thức khác là vaccine sử dụng protein của virus để làm "nguyên liệu" kích thích hệ miễn dịch, trong khi EBV liên quan trực tiếp tới hình thành và phát triển khối u. Như vậy, việc kết hợp toàn bộ các thành phần protein vào mũi tiêm có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Tuy nhiên, nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature cho thấy, khi thử nghiệm trên chuột, vaccine giúp tạo các kháng thể trung hòa để chặn virus xâm nhập vào tế bào, đồng thời tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh để tiêu diệt các tế bào có virus trú ẩn. Hiệu quả này kéo dài trong 7 tháng.
Các chuyên gia kỳ vọng vaccine có thể giảm các bệnh liên quan EBV ở người khi về già. Giới khoa học cho rằng vaccine còn cần thử nghiệm thêm để chứng minh hiệu quả trên người, gồm mức độ an toàn, hiệu quả chống lại bệnh tật, khả năng trở nặng.
Chi Lê (Theo Medical News Today, WebMD, NHS)