"Bản dự thảo nghị quyết về Covid-19 sắp được Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) thông qua hoàn toàn khác so với đề xuất của Australia về một cuộc điều tra quốc tế độc lập. Việc tuyên bố nghị quyết của WHA là minh chứng cho lời kêu gọi của Australia chẳng khác gì một trò đùa", phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra cho biết trong thông báo hôm nay.
Đây là dấu hiệu mới nhất trong mối quan hệ đang ngày càng xấu đi giữa Bắc Kinh và Canberra. Trung Quốc đã công kích Thủ tướng Australia Scott Morrison kể từ khi ông vận động các đối tác quốc tế mở cuộc điều tra về nguồn gốc, cũng như công tác phòng chống Covid-19 hồi tháng trước.
Thông báo của đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra cũng được đưa ra ngay sau khi Bộ Tài chính Trung Quốc công bố áp thuế 80,5% với lúa mạch từ Australia vì lý do phá giá, "gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp nội địa". Trước đó, đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye cảnh báo về làn sóng tẩy chay hàng Australia, động thái bị Canberra cáo buộc là "áp bức kinh tế".
Australia cho biết các nhà ngoại giao của họ đã hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), nhằm kêu gọi hầu hết quốc gia tại WHA, cơ quan ra quyết sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ủng hộ nghị quyết mà EU đề xuất về việc mở cuộc điều tra độc lập về Covid-19, nguồn gốc dịch bệnh cũng như cách ứng phó trên toàn thế giới.
"Australia đảm bảo đây là một cuộc điều tra độc lập và hy vọng mọi người sẽ hợp tác, bao gồm cả giới chức Trung Quốc", Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham trả lời phỏng vấn một đài phát thanh.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua tuyên bố trước WHA rằng Bắc Kinh sẽ hỗ trợ đánh giá toàn diện về phản ứng với Covid-19 sau khi đại dịch được kiểm soát. Ông cũng khẳng định nước này minh bạch và có trách nhiệm trong quá trình xử lý dịch bệnh.
Cuộc họp của WHA khai mạc hôm qua và kéo dài hai ngày, với sự góp mặt của lãnh đạo và quan chức y tế các nước thành viên WHO. Nội dung họp xoay quanh tình hình Covid-19 trên thế giới, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ cùng các đồng minh với Trung Quốc căng thẳng về cách Bắc Kinh xử lý đại dịch ban đầu.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)