"Mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi hiện nay là sản xuất vaccine số lượng lớn, với tốc độ nhanh. Dự kiến đến đầu năm 2022, AstraZeneca sẽ bàn giao đủ lượng vaccine đã cam kết cho Việt Nam", ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam nói với VnExpress ngày 25/5.
Ông Nitin Kapoor nhận định, Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh về sản xuất công nghệ dược phẩm. Ông hy vọng, trong tương lai nếu có đơn vị đủ khả năng, AstraZeneca sẽ cân nhắc hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất dược phẩm, và có thể cả vaccine.
Trước đây, AstraZeneca đã từng triển khai quy trình khảo sát một số lò phản ứng sinh học (thiết bị nuôi cấy virus trong sản xuất vaccine) ở Việt Nam. Kế hoạch này nhằm mục đích tìm hiểu thêm năng lực sản xuất vaccine của Việt Nam, liệu có thể cung ứng vaccine số lượng lớn cho khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thế giới cần gấp nguồn vaccine lớn để tiêm chủng. Vì vậy, AstraZeneca đã dừng hoạt động khảo sát này tại Việt Nam.
Theo ông Kapoor, để đạt năng lực sản xuất hàng tỷ liều vaccine tốc độ nhanh, AstraZeneca đã xây dựng hơn 10 chuỗi cung ứng song song tầm khu vực, và đang hợp tác với hơn 20 đối tác tại 15 quốc gia. Một phần ba trong số đó là ở châu Á, gồm Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Hãng đang tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất nhanh chóng để cung cấp vaccine cho cộng đồng trong khu vực, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất.
Hiện, AstraZeneca tập trung tối ưu hóa các chuỗi cung ứng và đối tác có sẵn, tận dụng hết mọi nguồn lực để tăng công suất sản xuất, đảm bảo bàn giao vaccine đủ số lượng, đúng tiến độ theo cam kết với các quốc gia và cơ chế Covax. Trong quá trình này, theo ông Nitin Kapoor, AstraZeneca đã chia sẻ tài sản trí tuệ và kiến thức chuyên môn với các đối tác.
Bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự Anh tại TP HCM cho biết thêm, Anh là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho cơ chế Covax, với 548 triệu bảng Anh. Đây là cơ chế do Liên Hợp Quốc thành lập nhằm hỗ trợ việc phân phối công bằng vaccine tại 92 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
"Khoa học và công nghệ của chúng tôi đã giúp phát triển vaccine Covid-19 nhanh chóng, trong đó có vaccine AstraZeneca", bà Emily Hamblin chia sẻ.
Bên cạnh đó, Anh cũng cam kết hỗ trợ cơ hội để chuyển giao công nghệ, như sự hợp tác giữa Đại học Bristol (Anh) và Công ty TNHH Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), góp phần vào mục tiêu phát triển vaccine nội địa tại Việt Nam.
Đến nay, AstraZeneca đã cung ứng hơn 400 triệu liều vaccine Covid-19 cho 165 quốc gia, thông qua các thoả thuận song phương, của khu vực hoặc qua cơ chế Covax. Hãng này đóng góp tới 97% nguồn cung cho Covax.
Trong hơn một năm qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán để sớm tiếp cận được các nguồn vaccine. Đến nay đã có khoảng 110 triệu liều cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021, bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình Covax, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với Covax mua thêm khoảng 10 triệu liều theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.
Trả lời câu hỏi sự khác biệt về nguồn gốc sản xuất liệu có gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả cũng như tính an toàn của vaccine, ông Nitin Kapoor khẳng định là "không". Ông giải thích, mỗi lô vaccine sẽ phải trải qua hơn 60 thử nghiệm kiểm soát chất lượng, trong suốt quá trình từ giai đoạn sản xuất cho đến khi tiêm chủng. Dù sản xuất ở đâu thì vaccine trong mạng lưới của AstraZeneca đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn như nhau và có kết quả nhất quán.
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca trước đây có tên là AZD1222, do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford nghiên cứu, phát triển. Vaccine được điều chế dựa trên công nghệ vector, sử dụng virus cảm cúm vô hại từ tinh tinh. Vaccine AstraZeneca giá thấp hơn hai đối thủ là Moderna và Pfizer, cũng dễ vận chuyển và bảo quản (ở nhiệt độ 2 đến 8 độ C).
Theo AstraZeneca, hiệu quả bảo vệ của vaccine đã được chứng minh qua thử nghiệm lâm sàng và trên thực tế, là dung nạp tốt và có hiệu lực đạt trên 80% đối với người trưởng thành, giúp giảm tỷ lệ bệnh nặng và nhập viện sau liều tiêm đầu tiên. Với hai biến thể mới của virus là Ấn Độ (B.1.617.2) và Anh (B.1.17), vaccine cũng tạo ra hiệu quả bảo vệ tương tự như chủng ban đầu.
Đây là vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng trong nước. Sau hai đợt tiêm chủng mở rộng, có 1.021.085 người thuộc nhóm ưu tiên (bác sĩ, nhân viên tham gia phòng chống dịch, nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ xuất nhập cảnh, công an, quân đội...) đã tiêm, trong đó, 28.821 người tiêm đủ hai mũi.
Việt Nam đã tiếp nhận bốn đợt vaccine Covid-19, đều của hãng AstraZeneca, tổng gần 2,9 triệu liều. Đợt đầu tiên, về ngày 24/2, 117.600 liều, thuộc hợp đồng giữa Bộ Y tế - AstraZeneca - VNVC; đợt thứ hai và ba, vaccine do cơ chế Covax cung cấp, lần lượt là 811.200 và 1.682.400 liều; đợt thứ 4 288.000 liều, về đêm 25/5.
Thư Anh