Trên thế giới, Anh là quốc gia có nhiều người tiêm vaccine AstraZeneca nhất, với 22,6 triệu người được tiêm liều đầu tiên và 5,9 triệu người tiêm đầy đủ, tính đến ngày 28/4. Nước này có khả năng cung cấp nhiều dữ liệu về tác dụng của vaccine AstraZeneca trong thực tế.
Nghiên cứu của PHE hôm 20/5 đưa ra bằng chứng sơ bộ đầu tiên về hiệu quả của hai liều vaccine AstraZeneca trong triển khai đại trà. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn chưa chắc chắn và cần thêm chứng cứ để kết luận.
PHE cho biết hiệu quả trong phòng ngừa Covid-19 có triệu chứng của vaccine AstraZeneca là 89%, trong khi hiệu quả tương tự ở vaccine Pfizer-BioNTech là 90%.
"Dữ liệu mới nhấn mạnh tác động đáng kinh ngạc của cả hai liều vaccine AstraZeneca, với liều thứ hai có khả năng bảo vệ lên đến 90%", Bộ trưởng phụ trách triển khai vaccine của Anh Nadhim Zahawi cho biết.
AstraZeneca hoan nghênh những phát hiện trên. Phát ngôn viên của công ty cho biết: "Dữ liệu thực tế mới nhất của PHE củng cố bằng chứng về hiệu quả của vaccine".
Michael Head, nhà nghiên cứu tại Global Health, Đại học Southampton, nhận xét: "Thật yên tâm khi nhìn vào số liệu của vaccine Pfizer và AstraZeneca. Hiệu quả chống lại bệnh có triệu chứng của chúng tương đương nhau, ở mức cao khi tiêm hai liều".
Anh triển khai vaccine Pfizer và AstraZeneca lần lượt kể từ tháng 12 và tháng 1. Vào tháng 4, nước này cũng bắt đầu sử dụng vaccine Moderna.
Theo PHE, hiệu quả của vaccine Pfizer giảm nhẹ từ tuần thứ 10 sau khi tiêm liều đầu tiên. Trước đó, Anh quyết định tiêm mỗi liều cách nhau 12 tuần, so với khoảng cách ba tuần trong thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên, Pfizer cảnh báo chưa có đủ bằng chứng về tác dụng của vaccine khi kéo dài thời gian chờ. Tuần trước, Anh rút ngắn khoảng cách giữa hai liều tiêm xuống còn 8 tuần đối với người trên 50 tuổi, giúp bảo vệ nhiều người dễ tổn thương hơn do lo ngại về biến thể B.1.617.2 ở Ấn Độ.
Anh, vùng dịch lớn thứ 7 thế giới, báo cáo 4.455.221 ca nhiễm và 127.701 ca tử vong, tăng lần lượt 2.874 và 7 ca trong ngày 20/5.
Mai Dung (Theo Reuters)