Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam hôm nay dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN theo hình thức trực tuyến, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Hội nghị ghi nhận quan ngại về diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, trong đó có các hành động đe doạ, cưỡng ép, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). ASEAN nhấn mạnh lập trường nguyên tắc, yêu cầu kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của LHQ, tiếp tục thực hiện DOC, từng bước nối lại đàm phán nhằm xây dựng Bộ Quy tắc COC phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp thời gian qua ở Biển Đông, đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và lập trường nguyên tắc, nỗ lực đàm phán để xây dựng COC hiệu quả.
Các nước cũng nhất trí tiếp tục ưu tiên kiểm soát dịch bệnh, vừa khắc phục hậu quả vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế. ASEAN sẽ tập trung triển khai Kế hoạch phục hồi toàn diện hậu dịch, chú trọng hỗ trợ phát triển các vùng sâu, vùng xa, các nhóm đối tượng chịu nhiều tác động nhất, sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ ứng phó Covid-19 để mua vaccine, đóng góp vào Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp và thảo luận về việc lập hành lang đi lại ASEAN. Các nước cũng chia sẻ nhu cầu bảo đảm người dân được tiếp cận công bằng với vaccine, ASEAN cần lên tiếng phản đối "chủ nghĩa dân tộc vaccine".
Về tình hình Myanmar, các nước nhất trí những diễn biến phức tạp thời gian qua, trong đó có tình hình bạo lực, thương vong gia tăng, không chỉ ảnh hưởng tới Myanmar mà còn tới hợp tác, đoàn kết, hình ảnh và uy tín của ASEAN. Các nước cho rằng ASEAN cần tiếp tục mọi nỗ lực hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Việt Nam ủng hộ việc áp dụng các phương thức của ASEAN trong tiếp cận tình hình Myanmar. Là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã thông tin, cập nhật cho HĐBA về những nỗ lực của ASEAN trong hỗ trợ Myanmar. Với việc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐBA vào tháng 4, Việt Nam sẽ có những bước đi chủ động tại HĐBA, thông tin tích cực về các hoạt động của ASEAN.
Hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ hôm 7/3, bật đèn suốt đêm mà không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi. Philippines công bố thông tin từ hôm 21/3, cáo buộc các tàu này thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila sau đó bao biện rằng các tàu này chỉ "đang trú tránh thời tiết xấu".
Giới chức Philippines đã phản ứng mạnh mẽ, bao gồm tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này rằng Manila sẽ lên tiếng phản đối mỗi ngày cho đến khi Bắc Kinh rút hết tàu. Tới ngày 3/4, phía Philippines cho biết vẫn còn hơn 40 tàu Trung Quốc hiện diện trong khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 6/4 ngang nhiên nói rằng đội tàu nước này được quyền trú ẩn tại bãi đá ngầm ở Trường Sa "trong hàng nghìn năm".
Trong cuộc họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện UNCLOS, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, kiềm chế, không làm phức tạp tình hình.
Phương Vũ