Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây gia tăng do bất đồng hàng loạt vấn đề liên quan đến cách xử lý Covid-19, tình hình Tân Cương, Hong Kong và Biển Đông. Mới đây nhất, Washington đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, bang Texas, nhằm "bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ" trước hoạt động gián điệp. Đáp trả, Bắc Kinh đã đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, cáo buộc một số nhân viên tại đây hành động "không phù hợp với vị trí công việc" và gây tổn hại lợi ích của nước sở tại.
Nói với VnExpress về nguyên nhân, Daniel Russel, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 2013-2017, cho rằng Tổng thống Trump hành động cứng rắn với Trung Quốc để thu hút cử tri ủng hộ, nhằm tái đắc cử vào cuối năm. Từ tháng 3, kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nên Trump không thể dựa vào thế mạnh kinh tế như trước đây. Với định hướng này, phe diều hâu trong chính quyền đang chiếm ưu thế.
"Chính quyền của Tổng thống Trump đang tăng tốc thực hiện các hành động chống lại Trung Quốc", Russel nói.
Trước khi đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston hôm 24/7, Mỹ đã thực hiện một loạt động thái cứng rắn như ký thành luật Đạo luật tự trị Hong Kong, cho phép Mỹ trừng phạt các quan chức Trung Quốc và cảnh sát Hong Kong được cho là xâm phạm quyền tự trị của thành phố, đồng thời trừng phạt cả những ngân hàng thực hiện những giao dịch quan trọng với họ; trừng phạt 11 doanh nghiệp Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương; áp lệnh cấm visa và đóng băng tài sản đối với một số quan chức Trung Quốc, bị Washington cho là "vi phạm nhân quyền" với dân tộc thiểu số ở Tân Cương; truy tố 4 nhà nghiên cứu khoa học Trung Quốc với cáo buộc khai man về vai trò của họ trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) nhằm xin thị thực Mỹ.
"Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục có các hành động kiềm chế Trung Quốc trong thời gian tới", Russel nói.
Deborah Seligsohn, phó giáo sư về khoa học chính trị, Đại học Villanova, Mỹ, cũng cho rằng đây là lúc Trump muốn cho thấy "hình ảnh mạnh mẽ" để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay. Seligsohn cho hay nhiều người ở Washington ủng hộ các vấn đề chính quyền nêu ra, như lo ngại về việc Bắc Kinh đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, cũng như hành xử ở Biển Đông.
Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung, tại Tổ chức Asia Society, Mỹ, cho rằng hai bên đang quay trở lại con đường đối nghịch, nơi họ không chỉ có các kế hoạch về chiến tranh thương mại, mà còn xung đột về các giá trị, hệ thống chính trị và có thể cả mô hình phát triển. Schell cho rằng sự kết giao mà Mỹ và Trung Quốc thiết lập từ lâu đã "đã chấm dứt", khi xu thế "cải cách và mở cửa" của Bắc Kinh thay đổi. Bên cạnh đó, chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Đông và Đài Loan khiến quan hệ với Mỹ càng trở nên khó khăn hơn.
Dự báo về các hành động mới Mỹ có thể thực hiện với Trung Quốc, Russel cho biết có nhiều vấn đề đang được thảo luận ở Washington.
Thứ nhất, Mỹ đang đánh giá về việc cấm visa với tất cả các thành viên của đảng Cộng sản Trung Quốc. New York Times hôm 15/7 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết lệnh cấm vào Mỹ đối với đảng viên Cộng sản Trung Quốc và người thân đang được các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump xem xét. Đại diện các cơ quan truyền thông và nhà báo Trung Quốc ở Mỹ cũng có thể bị trục xuất.
Thứ hai, Mỹ có thể áp các biện pháp tài chính như ngăn các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch của Mỹ; cấm các công ty Mỹ đầu tư ở Trung Quốc; giảm giá trị của đôla Hong Kong, khi nó phụ thuộc vào USD.
Thứ ba, Washington cũng thảo luận về lệnh cấm với các công ty của Trung Quốc, không riêng Huawei mà cả các công ty kinh doanh apps như Tick Tok.
Thứ 4, Mỹ rất có thể áp đặt lệnh trừng phạt với Trung Quốc do có các hành động ở Biển Đông, gồm các công ty thuộc sở hữu nhà nước liên quan đến việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, lãnh đạo của quân đội hoặc các quan chức cấp cao. Giữa tháng 7, David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết Washington không loại trừ phương án trừng phạt Bắc Kinh vì các hành động ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể công bố các lệnh trừng phạt cụ thể với Trung Quốc sau khi Tổng thống Trump ký Đạo luật tự trị Hong Kong; có thêm các hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan.
"Chính quyền của Trump sẽ tăng cường cho thấy sự cứng rắn của ông với Trung Quốc, khi ngày bầu cử càng đến gần", Russel nói. Tuy nhiên, Russel không có thông tin về thảo luận ở Washington liên quan đến đóng cửa cơ quan ngoại giao khác của Trung Quốc ở Mỹ. Ông cho rằng nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ đáp trả bằng cách đóng lãnh sự quán của Mỹ ở Thượng Hải hoặc Hong Kong. Điều đó sẽ gây nên thiệt hại lớn cho Mỹ.
Theo Russel, đến tháng 11/2020, nếu Trump đắc cử tổng thống, căng thẳng với Trung Quốc sẽ tập trung vào thương mại. Nếu Joe Biden, đối thủ của Trump chiến thắng bầu cử, chính sách của Mỹ với Trung Quốc vẫn sẽ cứng rắn nhưng sẽ có điều chỉnh, như tăng cường hợp tác với các đối tác quan trọng ở châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN. Phó giáo sư Seligsohn cũng cho rằng Mỹ - Trung không dễ xuống thang căng thẳng, nếu Biden trở thành tân tổng thống. Bà đánh giá hai nước có rất nhiều vấn đề cần xử lý.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, đồng tình căng thẳng Mỹ - Trung còn gia tăng mạnh mẽ. Ông không loại trừ khả năng Mỹ đóng thêm lãnh sự của Trung Quốc, thậm chí xung đột thương mại sẽ dẫn đến kịch bản hai nền kinh tế bị tách rời. Theo Tiến sĩ Hiệp, quan hệ Mỹ - Trung đang ở thời kỳ "đối đầu là trạng thái bình thường mới", dẫn đến tình trạng Chiến tranh Lạnh. Dù vậy, hình thái Chiến tranh Lạnh sẽ khác với trước đây, không tập trung vào sự khác biệt ý thức hệ, mà cạnh tranh chủ yếu là lợi ích chiến lược, sức mạnh công nghệ và kinh tế.
Về hệ quả, Seligsohn cho rằng khi Mỹ - Trung chia tách, sẽ không có bên nào chiến thắng. Trong bối cảnh thế giới đang đối phó với Covid-19, nền kinh tế của các nước bị ảnh hưởng nặng nề, các nước muốn phục hồi thì cần hợp tác và giao thương.
Theo cựu trợ lý ngoại trưởng Russel, Mỹ và Trung Quốc hiện hầu như không có kênh liên lạc, đối thoại giữa các quan chức cấp cao. Hai bên chỉ nhìn vào các phát ngôn của đối phương, bao gồm những chỉ trích cứng rắn và đoán định hành động của nhau. Điều đó làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm. Russel nhắc lại rằng việc Mỹ đóng cửa tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là một bước đi chưa từng có tiền lệ, gây nên nhiều bất lợi cho Washington trong việc bao quát tình hình ở Tân Cương, Tây Tạng và phía tây Trung Quốc. Trong trường hợp Trump tái đắc cử và "dịu giọng", Trung Quốc cũng khó có thể nguôi giận, khi đó quan hệ hai bên sẽ vẫn rất khó khăn.
Schell cho rằng phương án gia tăng căng thẳng với Trung Quốc dường như là cách tốt nhất lúc này mà Trump sử dụng để khiến người dân "xao lãng" cách ông xử lý Covid-19. Vì vậy, hai nước khó có thể tái ổn định lại quan hệ trong tương lai.
"Nếu Joe Biden trúng cử, chính quyền của ông có thể đưa ra đề xuất thay đổi tình thế, nhưng vấn đề là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có tham gia hay không", Schell nói.